TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


TRẢI NGHIỆM MỚI NƠI QUÊ CŨ


Tôi sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, khu tôi sống tuy chưa phát triển lắm nhưng cũng khá đầy đủ. Để tới lưu xá Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG), chỉ cần đi Phà Cát Lái và mất hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe máy. Vậy nên, khi Sơ Uyên Phương (Sơ Phụ Trách lưu xá ĐBTG) cho chúng tôi đi tông đồ ở Đồng Nai, tôi đã nghĩ Đồng Nai mà còn nơi mù chữ. Tôi cũng nói chuyện với bạn đồng hành Xuân Trang: “cả hai chúng mình quê ở Đồng Nai mà Sơ cho đi Đồng Nai thì có gần quá không nhỉ?”

Suối Tượng – Hồ Trị An –  Vĩnh Cửu – Đồng Nai

Chúng tôi đến Suối Tượng trưa ngày 04/07/2022 và vào buổi chiều đầu tiên xuống nhà bè thăm hai nơi chúng tôi sẽ dạy học, có Sơ Mai Trinh (Sơ Phụ Trách Cộng đoàn ĐBTG Thạch An) hướng dẫn, công việc chính của chúng tôi là dạy các em nhỏ kể cả chưa đi học và đã đi học. Vì các em đọc và làm toán còn chậm nên rất cần người kèm trong tháng hè để không quên chữ.

Trong một tháng ở Suối Tượng, chúng tôi sống tại nhà của cô chú Ba Đài (là nhà cô chú xây cho mẹ nhưng hiện tại bà ở nơi khác nên Sơ Mai Trinh đã mượn cho các Sơ và chị em làm việc tông đồ). Từ chỗ ở, chúng tôi chạy xe máy tầm hơn 1km đường đất đỏ tới bến tàu, sau đó, anh Kiều đưa chúng tôi tới chỗ dạy bằng vỏ lãi (anh đã 27 tuổi vẫn cố gắng học chữ và cũng hay giúp việc cho các Sơ).

Ngay sáng hôm sau, Sơ Mai Trinh đi cùng chúng tôi xuống nhà bè để ổn định lớp học. Xuân Trang dạy ở nhà bè của cô chú Sương (cha mẹ của anh Kiều - gia đình dự tòng sắp theo đạo và nhà bè gia đình này đang ở, được một nhóm thiện nguyện tài trợ). Tôi – Hoàng Mai -dạy ở nhà anh chị Tâm (gia đình mới từ Campuchia về Việt Nam hơn 1 năm). Dưới nhà bè có hơn 150 gia đình nhưng chỉ có 3 gia đình Công Giáo tính cả gia đình cô chú Sương đang học đạo.

Phải nói rằng, các em đến với chúng tôi bằng tất cả sự đơn sơ. Các em lớn chạy vỏ lãi (người dân gọi tắt là “vỏ” - chiếc ghe nhỏ dài, hình thoi, có gắn động cơ) đưa các em nhỏ hơn đi. Nếu không có vỏ thì các em phải chèo xuồng bằng tay. Nhìn những dáng người nhỏ xíu, nước da ngăm đen, ngồi lọt thỏm trên chiếc xuồng ra sức chèo mà chúng con thấy chạnh lòng thương các em lắm.

Chúng tôi thiếu thốn tất cả mọi thứ, bàn học là những cái bàn nhựa được bác Đức (một người giữ an ninh trật tự ở khu vực nhà bè) tài trợ. Bàn thì cao mà chúng tôi không có ghế, phải nhờ anh Kiều cưa 4 chân bàn cho thấp lại, lớp đông nên một bàn phải ngồi 4 bạn chen chút nhau. “Hành lý” chúng tôi mang theo gồm chỉ gồm mấy hộp bút chì, vở tập viết, sữa hộp và ít bánh kẹo đều từ các mạnh thường quân giúp đỡ. Chúng tôi đến đây chẳng có gì ngoài tình thương dành cho các em!

Sau một tuần, lớp học dần đi vào nề nếp và tôi cũng hiểu đôi chút về hoàn cảnh của các em. Đa số gia đình từ Campuchia về Việt Nam, không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Họ kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá bấp bênh qua ngày trên hồ Trị An. Cuộc sống vất vả nên các em phải phụ thả lưới với bố mẹ từ chiều tối tới gần sáng. Vậy nên, thường sẽ vài bạn vắng học vì làm cả đêm không ngủ hoặc sáng sớm đi bán cá và làm phụ các công việc khác.

Vì cha mẹ không có giấy tờ, nên các em cũng không làm được giấy khai sinh. Có nhiều em trên 6 tuổi vẫn chưa vào lớp 1, nhưng có giấy khai sinh mà quá 10 tuổi thì trường không nhận vào học. Ở đây, như người dân nói thì học hết lớp 5 đã giỏi lắm rồi.

Suối Tượng không có trường cấp 2, muốn đi học phải thức dậy lúc 4h30 sáng chờ xe đưa rước, băng qua 8 km đường đất đỏ lồi lõm, đầy bùn nhão ra tới đường lớn, sau đó, học sinh phải bắt một chiếc xe buýt khác để ra tới trường cấp 2 Mã Đà. Một buổi đi học gồm tiền xe và tiền ăn sáng hết hơn 50.000đ. Số tiền này đủ cho một gia đình dưới nhà bè nấu một bữa cơm và ở đây họ chỉ ăn 2 bữa/ngày.

Sinh hoạt, ăn uống, tắm rửa, vệ sinh hằng ngày của người dân chủ yếu dùng nước sông. Họ dùng năng lượng mặt trời và bình ắc-quy để thắp sáng. Hành trình theo đuổi con chữ của các em vô cùng khó khăn và đang cần rất nhiều sự quan tâm giúp đỡ của quý Cha, quý Sơ và mạnh thường quân.

Suối Tượng gần như bị tách biệt với thế giới bên ngoài vì bao quanh một phía là rừng, phía còn lại là hồ Trị An, giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Vì vậy, những trường hợp cần đưa người đi bệnh viện thật sự rất bất tiện. Vào những ngày trời giông, các gia đình dưới nhà bè dường như thức trắng đêm vì lo sợ nhà bị gió lốc cuốn mất mái. Giấc ngủ của các em nhỏ thì chập chờn, trời mưa to mà nhà dột thì ướt hết quần áo, chăn màn, sách vở. Thương các em là những phận đời trôi nổi theo dòng nước, tôi chỉ mong các em vẫn cố gắng, vui tươi và giữ được nụ cười trên môi.

Có một điều thật may mắn, là có Quý Cha, Quý Sơ đến nơi đây để chăm sóc và giúp đỡ người dân. Dù họ là những người chưa biết Chúa, nhưng tôi tin rằng sẽ không còn lâu nữa họ sẽ nhận ra vẫn còn một Đấng luôn gìn giữ và ban cho họ của ăn dùng đủ hằng ngày.

Kết thúc hành trình tông đồ nhưng tôi không thể thôi nghĩ về Suối Tượng, về các em, về những món quà mà gia đình các em đem cho. Ngày phải về thành phố, tôi không dám hứa sẽ quay lại nhưng luôn mong chờ có cơ hội đến thăm lần nữa.

Tạ ơn Chúa đã cho tôi đi về được bình an, tôi cảm nhận được tình yêu của Người qua từng nét đẹp nơi đây. Chỉ đơn giản là một buổi sáng trong lành, có tiếng chim hót trên cành hoa giấy nở rộ, tiếng trẻ con chạy xe đạp ngang qua nhà cất tiếng “con chào cô”. Và cả những bữa cơm ấm áp rộn rã tiếng cười của Sơ và chị em tông đồ chúng tôi.

Hoàng Mai - Lưu xá sinh viên ENDM