TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


ÐI TÌM TÁC GIẢ BỨC TRANH “ÐỨC BÀ THĂM VIẾNG”

  

Mấy năm trước lang thang trên mạng, tôi tình cờ bắt gặp bức tranh “Ðức Mẹ thăm viếng bà thánh Isave”. Phải nói là bức tranh đã cực kỳ gây ấn tượng trong tôi, từ bối cảnh, trang phục đến cách thể hiện nét mặt, dáng dấp… rất biểu cảm của từng nhân vật... Từ đó tôi luôn có ý tìm kiếm thông tin về tác giả để viết bài…

 





Họa sĩ Mai Nhơn


Khi tôi đăng bức tranh lên trang facebook của mình thì Phạm Văn Hoàng - một người bạn thân ở Ðồng Nai - cho biết, tác giả là anh Mai Văn Nhơn (tức họa sĩ Mai Nhơn), tôi mừng lắm..., nhưng rồi lại quên mất... Trước Noel vừa rồi, khi các báo đang rục rịch làm ấn phẩm Xuân, anh Lê Hữu Tuấn - Phó TBT báo Công giáo và Dân tộc - điện thoại cho tôi nhờ viết một bài về nhân vật độc - lạ cho tờ Xuân CGvDT Tân Sửu. Ý Chúa xui khiến thế nào mà tôi liền nghĩ ngay đến người họa sĩ là cha tinh thần của bức tranh nổi tiếng đó, điểm độc đáo là anh lại là người ngoài Công giáo. Nói đề tài và anh Tuấn đồng ý ngay, vì ngẫu nhiên, anh ấy vốn cũng rất yêu thích bức tranh này... Thật là duyên hội ngộ.

Mạnh miệng đề xuất chủ đề nhưng thú thật là tôi cũng hồi hộp, vì chỉ nhớ là Phạm Văn Hoàng nói có quen với họa sĩ Nhơn, nhưng hôm ấy gọi cho Hoàng năm lần, bảy lượt cũng không nghe máy. Gọi cho thầy giáo, nhạc sĩ Bùi Công Thuấn để xin số điện thoại của anh Mai Nhơn, ông ấy lại bảo vào trang hvhntdn.gov.vn, mò mẩm một hồi cũng không tìm ra manh mối. May sao, buổi tối Phạm Văn Hoàng gọi lại và cho số điện thoại của anh Nhơn...

Mai Văn Nhơn sinh năm 1960 tại Ðồng Nai -  một địa phương có truyền thống lâu đời về ngành gốm sứ ở phía Nam Việt Nam. Anh đến với hội họa từ chính sự hướng dẫn trực tiếp của thân phụ, là một họa sĩ tự do chuyên cả về thủy mặc, thư pháp và sơn dầu. Nhơn vẽ rất sớm : từ những năm mới 13-14 tuổi, anh đã là họa sĩ minh họa chính cho một rạp chiếu phim ở địa phương. Sau đó, anh tự học và nghiên cứu chuyên sâu về sơn dầu. Anh cũng minh họa cho nhiều tạp chí, sáng tạo kiểu dáng công nghiệp, sáng tác tranh sơn dầu..., làm việc như một nghệ sĩ tự do. Từ năm 2006, anh bắt đầu nghiên cứu về kỹ thuật men màu và gốm sứ, và là người ứng dụng thành công gốm màu từ nguyên liệu địa phương trong các chân dung tả thực theo trường phái mosaic. Năm 2010, anh là tác giả một đoạn 50m tranh gốm mosaic trên Con đường gốm sứ ven sông Hồng - công trình đoạt Guinness thế giới tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Các tác phẩm của Mai Văn Nhơn chủ yếu dùng chất liệu sơn dầu và gốm mosaic, được trưng bày và sưu tập tại Việt Nam và một số nơi trên thế giới. Hiện anh sống và làm việc tại thành phố Biên Hòa (Ðồng Nai).


Bức tranh “Đức Mẹ thăm viếng” bối cảnh Việt Nam

 

Dưới đây là cuộc trao đổi giữa tôi và anh trong lần đầu gặp gỡ, xin chép lại gần như nguyên văn để hầu chuyện độc giả báo Xuân CGvDT.

 

Ðược biết anh không phải là một tín hữu Công giáo, vậy xin anh cho biết hoàn cảnh ra đời của bức tranh “Ðức Mẹ thăm viếng” ? Tại sao anh chọn diễn tả nội dung qua hình thức “Việt Nam hóa” bối cảnh và nhân vật mà không vẽ họ theo nguyên mẫu (Do Thái) ? Trước khi vẽ anh có nghiên cứu Kinh Thánh không, ít nhất là ở đoạn Ðức Mẹ đi thăm bà thánh Isave ?

- Một ngày nào đó tôi không nhớ rõ, khoảng vào những năm 1992-1993, đối diện với tôi trong căn nhà nhỏ là hai nữ tu. Một người là sơ Mai Trinh, tôi nhớ rõ vì phần đầu tên của sơ trùng với họ của tôi; người còn lại thật sự tôi không nhớ tên. Ðến bây giờ tôi cũng không hiểu vì đâu hai sơ biết đến mình. Họ không mặc áo tu sĩ, nhưng có một cái gì đó toát ra làm cho người đối diện biết ngay đó là các nữ tu, từ vẻ rất hiền lành, nhân hậu đến cách nói chuyện. Tôi là người không theo Công giáo, nhưng đã vài lần, không ít người nhìn lầm tôi là thầy hoặc người tu xuất. Tôi cũng không biết tại sao. Ở môi trường của các nghệ sĩ, tôi bị cho là nghiêm túc quá. Còn trong công việc hành chính hay quản lý doanh nghiệp, tôi lại bị chê là hơi nghệ sĩ. Cách đây khoảng mươi năm, ở nhà sách Ða Minh - Sài Gòn, khi đang chọn mua vài quyển sách cho con gái, tôi được nhìn lầm là linh mục (gọi là được nhìn lầm, vì từ trong thâm tâm,  tôi cảm thấy vui vì sự nhìn lầm này). Phải chăng tôi có biểu hiện vẻ ngoài giống các tu sĩ Công giáo ?

Trở lại câu chuyện cũ, các sơ đặt tôi vẽ tranh đấng sáng lập dòng Ðức Bà Truyền Giáo (sau này tôi mới biết đó là tước hiệu của dòng mà họ đang tu). Là người ngoại đạo, tôi không hiểu “Ðấng sáng lập” là thế nào. Các sơ nói yêu cầu, cho tôi ảnh mẫu và tiếp theo là cuộc trao đổi khái lược về nội dung. Xem ra, lúc đó, tôi chỉ mới mường tượng lờ mờ. Một thói quen nghề nghiệp của tôi : Khi đã vẽ phải hiểu thật rõ nhân vật của mình. Tôi đề nghị được có tài liệu nhiều hơn. Các sơ đã tặng tôi một quyển sách. Tôi đọc liền trong đêm đó, và càng đọc, càng lo âu…, dù từng vẽ chân dung các vị giám mục ở Tòa Giám mục Xuân Lộc, và cả chân dung Ðức Giáo Hoàng Phaolồ Ðệ Nhị. Những bức chân dung này ít nhiều cũng nhận được lời khen. Tuy nhiên, những bức chân dung đó dễ vẽ hơn : Có ảnh mẫu hoàn chỉnh, chỉ cần thể hiện rõ cái thần của nhân vật là được (xin mở ngoặc nói thêm : khoảng năm 1990, người đích thân tìm đến ngôi nhà nhỏ trong con hẻm của tôi, đề nghị tôi vẽ chân dung Ðức Phaolồ Ðệ Nhị và các giám mục, dù biết rằng tôi ngoại đạo, chính là cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, sau này là Giám mục giáo phận Xuân Lộc, nay ngài đã nghỉ hưu; đây là chi tiết tôi vẫn coi là rất vinh dự).

Cuối cùng thì tôi cũng phải vẽ chân dung mẹ Euphrasie Barbier, vì đã gần đến ngày hẹn với các sơ, dù tâm trạng thấy chưa ổn lắm. Tôi vẽ theo ảnh mẫu và những gì tôi hiểu. Tất cả hiện lên dần, từ buổi chiều, và trọn đêm ấy, đến sáng, mà không có phác thảo trước. Ðôi mắt, vẫn là người phương Tây, nhưng trong đó có cái nhìn của mẹ tôi - người đã tần tảo một vai nuôi tất cả chị em tôi, chín người, khi bố tôi mất sớm. Có nụ cười của cô giáo Nguyễn Thị Bạch Nhạn - người đã tặng và hướng dẫn tôi đọc cuốn Tâm hồn cao thượng của văn hào Ý Edmond de Amicis, khi tôi còn học lớp Năm, bậc tiểu học. Tôi không nhớ rõ ảnh mẫu thế nào, nhưng để vẽ thêm bàn tay, tôi đã dùng mẫu là chính bàn tay của mình trên tấm gương phản chiếu. Sáng ra, vợ tôi bảo anh coi chừng bàn tay hơi lớn và gân guốc (vợ tôi bao giờ cũng là nhà phê bình đầu tiên các bức tranh của tôi). Vâng, đúng là hơi lớn. Nhưng mẹ Barbier sinh ra trong gia đình lao động, đâu phải phụ nữ trong tháp ngà, cũng là người luôn dùng đôi tay mình nâng đỡ người nghèo, người bất hạnh…, đôi tay có to cũng là lẽ thường tình. Và tôi cũng không còn cách nào sửa được trên khung lụa một khi đã lên màu…

Bẵng di một thời gian, tháng 5 năm 1997, tôi lại được các sơ đặt hàng vẽ tiếp bức Visitation - Ðức Mẹ thăm viếng. Lần này là một bài toán khó hơn. Thời học sinh, từ 12-13 tuổi, tôi đã nhiều lần vẽ thuê cho nhà thờ và các gia đình trong dịp Giáng Sinh. Có lúc, tôi chép lại các bức vẽ Giáng Sinh trên card postal của tác giả nào đó mà Ðức Mẹ và Chúa Hài Ðồng đều trong trang phục Việt Nam. Tôi cũng đã có vẽ các thánh mặc áo dài dân tộc… Dù sao, đó là những công việc “kiếm cơm” để đi học và lo chút ít cho gia đình, chỉ đơn thuần là chép lại và trang trí. Trong những bức họa đó, mọi nhân vật đều đẹp đẽ, chỉn chu và có phần sang trọng…

Tôi cảm thấy phải suy nghĩ theo một hướng khác khi nhận đề nghị mới này.

Tôi được sơ Mai Trinh kể chi tiết về câu chuyện thăm viếng bà chị họ của Mẹ Maria, và cũng được sơ tặng một quyển Kinh Thánh để nghiên cứu về cuộc đời Chúa Giêsu. Ban đầu, tôi chỉ đọc phần Ðức Mẹ đi thăm bà Isave. Nhưng rồi, để có thể nắm bắt và “Việt hóa”, tôi đọc luôn từ quá trình rao giảng cho đến các ủy thác của Chúa sau Phục Sinh cho các môn đồ, về sứ mạng truyền bá Phúc Âm... Dầu không hiểu hết ý nghĩa các lời của Ngài, nhất là những dụ ngôn, nhưng tôi đã hình dung được những gì Ðấng Cứu Thế đã trải qua và các trao gởi, huấn dụ của Ngài... Tôi bắt đầu phác thảo Ðức Mẹ và thánh Isave như những thôn nữ và những bà mẹ quê. Rồi đặt hai người vào trong một khung cảnh làng quê Việt Nam.

Thời điểm đó tôi chưa từng ra Bắc. Nhưng lại không muốn vẽ bối cảnh miền Nam, xem ra không phù hợp theo suy nghĩ của tôi. Cuối cùng, căn nhà đơn sơ của mẹ vợ tôi ở miền quê Long Ðiền - ngày tôi và vợ mới quen nhau - được dùng làm bối cảnh chính của bức tranh. Ðó là một căn nhà mái tôn, vách gỗ, nền đất, nghèo như bao căn nhà lối xóm. Cũng có một cánh cửa ở góc trái, một bộ ván kê gần cửa ra vào, và một cửa sổ - nơi mỗi sáng ba vợ tôi uống cà phê, trầm ngâm nhìn ra bụi tre bên con đường mòn. Ở căn nhà đó có một bếp củi với bánh tét và nhiều thứ lỉnh kỉnh treo đầu bếp, có đàn gà đi lại ngoài sân, con chó loăng quăng bên gốc chuối… Cái quý hơn cả của vùng này là luôn có tình người chân quê, sống với nhau trong sự đùm bọc của làng xóm, họ hàng. Các chị em họ bên vợ tôi đều ở gần quanh đấy, chơi với nhau rất thân, mỗi lần chúng tôi về đều vỡ òa : “Con Hà về, thằng Nhơn về…”. Cái gặp nhau của bà thánh Isave và Mẹ Maria được vay mượn từ chính tình cảm của các chị em bên vợ mỗi khi chúng tôi về thăm quê.

Tuy nhiên, tôi phải thể hiện trong không gian miền Bắc, và phải “xưa cũ” hơn. Bức vách gỗ được thay bằng vách đất. Bộ ván gỗ thay bằng chiếc sạp tre. Mái nhà tôn có nhiều miếng vá được đổi sang mái tranh quê… Ngoài tình cảm của các chị em bên vợ ở Long Ðiền, hình ảnh khó thể hiện nhất lại nằm ở bà thánh Isave. Tôi có người chị gái. Hoàn cảnh của chị khá giống câu chuyện trong bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến. Chị lo cho các em, và chỉ lấy chồng khi đã qua tuổi thanh xuân. Không biết có nên không, nhưng tôi đã mượn chị làm hình ảnh cho bà Isave. Chị rất chân chất, thật thà. Mỗi lần có đứa em nào về, chị mừng quýnh lên : hỏi han, lo lắng, y như ngày chị còn đút cơm, chia phần bánh cho từng đứa. Và cái bụng của chị lúc sắp có đứa con đầu lòng làm chúng tôi rất ái ngại, vừa mừng, vừa thương, vừa lo...

Sau khi dựng nên bố cục, sắp xếp ánh sáng…, tôi đã mặc áo phụ nữ nông thôn miền Bắc cho hai nhân vật. Cuối cùng, gương mặt của chị tôi được chỉnh lại, với ít nhiều vay mượn từ các nhân vật trong Bình văn của họa sĩ tiền bối Lê Huy Miến. Trên lý thuyết, người sáng tác tranh thật ra là vẽ lại những gì mình đã trải qua. Tôi không có thực tế không gian và thời gian trong bức tranh này. Nhưng tôi có những cảm xúc chân thành trong cuộc đời với những người thân. Và từ đó, Mẹ Maria và bà thánh Isave đã đi vào khung vải.


Mẹ Euphrasie Barbier do Mai Nhơn vẽ

 

Anh đã công bố bức tranh vào dịp nào ? Ở đâu ?

- Bức tranh đó không phải là một tác phẩm đúng nghĩa. Nó được vẽ theo đặt hàng của Dòng Ðức Bà Truyền Giáo ở Thủ Ðức, trong một khung thời gian hạn hẹp. Khổ bức tranh khá nhỏ, chỉ khoảng 45cm x 55cm, nên cũng khó thể hiện chi tiết hay kỹ thuật. Tuy nhiên, là một người làm việc nghiêm túc, tôi tìm hiểu các nhân vật trong Thánh Kinh và cố gắng diễn đạt tốt nhất. Sau khi hoàn thành bức tranh, vì tôi cũng thích nên tôi không nỡ bán đi đứa con tinh thần của mình. Thấy rằng giá nào cũng không bằng sự yêu quý của tôi với bức tranh, nên khi các sơ đến nhận, tôi đổi ý không bán nữa : Tôi tặng bức tranh cho họ, vì tôi biết các sơ sẽ quý bức tranh hơn cả tôi yêu quý nó.

Sau này có một nhà xuất bản nước ngoài có được file ảnh bức tranh, đã email cho tôi, đề nghị tôi cho phép in một phần bức tranh trên một ấn phẩm của họ, và xin được thanh toán bản quyền. Tôi đã nhận lời và ký hợp đồng, với điều khoản thanh toán là kinh phí sẽ chuyển sang cho một quỹ từ thiện Công giáo…

 

Dư luận đánh giá về bức tranh ra sao ? Bức tranh (gốc) hiện ở đâu ? Anh có làm thêm những phiên bản khác không ?

- Như tôi mới nói, tranh này chỉ là một bức vẽ nhỏ theo yêu cầu, chưa thể gọi là tác phẩm, và tôi cũng không theo dõi bức tranh sau khi giao nó cho các sơ. Có lẽ nó vẫn được Dòng Ðức Bà Truyền Giáo bảo quản. Gần đây, nhờ có mạng xã hội, tôi vài lần gặp các phiên bản của bức tranh trên một số trang web (có nơi, họ còn khẳng định tác giả bức tranh là một Phật tử. Cần nói rõ thêm, tôi là người ngoại đạo, chỉ thờ cúng ông bà, cũng không là Phật tử). Tôi chưa từng vẽ thêm một phiên bản nào khác của bức tranh, nhưng nếu có cơ duyên hay một nhà sưu tập nào muốn có, tôi sẵn sàng vẽ lại như một tác phẩm nghiêm túc.

Gần đây, một nhà sưu tập ở Mỹ yêu cầu tôi vẽ Ðức Mẹ La Vang. Ðây cũng là hình tượng Mẹ trong vóc dáng một phụ nữ Việt Nam. Tôi nhận lời bức tranh này, và đang tìm hiểu về Mẹ La Vang. Nếu chỉ vẽ theo mẫu tượng hiện có và quen thuộc tại Thánh Ðịa, tôi đã hoàn thành từ lâu. Nhưng vốn tính cẩn thận, nhiều tháng qua, tôi chưa vẽ được, do chưa tìm được người mẫu ưng ý, và cũng còn rất nhiều câu hỏi chưa thể tìm ra đáp án, ví dụ : Trang phục của Mẹ khi hiện ra sẽ như thế nào ? Trang phục của phụ nữ miền Trung Việt Nam thế kỷ 18 ra sao? (tôi hoài nghi việc thể hiện Ðức Mẹ trong trang phục có phần lộng lẫy và giàu có).


Tranh Đức Mẹ bằng mosaic

 

Là một họa sĩ chuyên nghiệp, anh có nghiên cứu về loại hình “nghệ thuật thánh” Việt Nam không?  Nhận xét của anh về chủ đề này ?

- Tranh Công giáo trên thế giới là cả một kho tàng nghệ thuật, là kinh điển cho tất cả các họa sĩ từ khi bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật đến suốt cả cuộc đời sáng tác của mình. Tôi chưa đủ hiểu biết về mảng này để nhận xét. Với tranh Công giáo Việt Nam thì tôi lại càng không nắm lắm. Hy vọng trong thời gian tới, khi có điều kiện, tôi sẽ nghiên cứu nghệ thuật thánh Việt Nam được nhiều hơn.

 

Về nghệ thuật nói chung, anh có những dự tính gì cho năm 2021 hoặc tương lai ?

- Một vài bức tranh tường hoành tráng bằng chất liệu gốm mosaic về đề tài lịch sử Việt Nam, đặc biệt là mảng lịch sử mở đất phương Nam… là ước mơ tôi đang ấp ủ. Tôi cũng dự định sẽ làm một số tranh ghép ảnh khổ lớn, với chủ đề là những sinh hoạt đời thường và hình ảnh Sài Gòn - Gia Ðịnh xưa. Ngoài ra nếu được, tôi cũng muốn tham gia một phần nào đó, trang trí trong nhà (tranh sơn dầu) hoặc ngoài trời (các bức tường tranh gốm) chẳng hạn, cho dự án Ðức Mẹ Núi Cúi tại Ðồng Nai. 

 

HÀ ÐÌNH NGUYÊN

Nguồn: Báo Công Giáo và Dân Tộc