HỌC VIỆN ĐBTG

CHUẨN SINH 2024

TẬP SINH NĂM 1 2024


ĐAU NHƯNG KHÔNG KHỔ:

CUỘC HÀNH HƯƠNG TRÊN ĐƯỜNG HY VỌNG


Có một câu nói tôi rất thích: “Be patient, sometimes the wait is longer because the blessing is bigger.” (“Hãy kiên trì, vì khi ân sủng càng lớn thì sự chờ đợi càng lâu”)

Trên mặt đất này, đau khổ, buồn sầu, thất vọng, thậm chí mất cân bằng, trầm cảm, là những trạng thái mà chẳng ai muốn gặp, nhưng rồi ai cũng phải kinh qua. Mất mát luôn đến cùng với đau đớn, nhất là khi chúng ta yêu thương sâu đậm. Đó có thể là nỗi đau khi chia xa người thân, khi mất đi sức khỏe, của cải, những giá trị tinh thần, hoặc những kỳ vọng và ảo tưởng mà ta đã từng xây dựng.

Từng kinh nghiệm ấy mời gọi chúng ta kiên nhẫn nhiều hơn để tiếp tục bước đi. Dường như, chính những thăng trầm, khủng hoảng ấy đã trở thành điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc gặp gỡ. Cuộc đời, rốt cuộc, là một bức tranh được vẽ từ những lần gặp gỡ và chia ly, những khoảnh khắc phải buông bỏ điều đã có để đón nhận điều mới mẻ.

Nhưng, trong những lần mất mát ấy, dần dần một ý nghĩa sâu xa có thể hé lộ.

Đau nhưng không khổ là khi ta chọn hy sinh vì người khác, khi nỗi đau của ta có thể sinh ra một điều gì đó lớn lao hơn. Hạt lúa phải mục nát mới sinh ra mùa màng, những điều ta đánh đổi nhiều khi trở thành nguồn sống cho những gì đến sau. Mồ hôi thấm đẫm trên trán, đôi mắt Mẹ nhòe lệ nhưng ánh lên niềm vui vô bờ, trái tim rộn ràng khi cảm nhận hơi ấm của sinh linh bé nhỏ. Sự đau đớn dường như tan biến trong khoảnh khắc ấy, nhường chỗ cho tình yêu thiêng liêng và hạnh phúc vô tận – món quà mà bao thử thách đã được đền đáp xứng đáng.

Đau không trở thành khổ khi ta không đi một mình. Bên cạnh là những người mang những câu chuyện, những mất mát riêng, đến bên ôm lấy nhau, để sẻ chia, để cùng vượt qua chặng đường dài. Họ ở đó nâng đỡ nhau bằng những mảnh ghép của lòng trắc ẩn, tình thương.

Trong sâu thẳm của đau thương, nỗi đau còn mang đến một nhận thức về giới hạn của con người, về sự yếu đuối cần được nâng đỡ. Và, có lẽ chính lúc đó, lòng lại mở ra để đón nhận niềm tin vào một điều gì đó vĩnh cửu hơn, vào tình yêu của Đấng tạo dựng. Khi biết trao dâng những đau thương, tâm hồn trở nên thanh thản và tin rằng nỗi đau này không phải vô nghĩa. Đau thương không phải là điểm cuối, mà là một phần của con đường dẫn đến sự sống.

Có lẽ thách thức lớn nhất không phải là tìm câu trả lời cho câu hỏi “bi kịch này đến từ đâu,” mà là tự hỏi “bi kịch này sẽ dẫn mình đến đâu.” Chính câu hỏi ấy giúp ta đứng lên, tiếp tục bước đi trên con đường chữa lành, trong niềm tin và hy vọng, để thấy rằng mình đau nhưng không khổ.

Đau mà không khổ không phải là phủ nhận nỗi đau, mà là chấp nhận nó như một phần của cuộc sống, như một hành trình đầy ý nghĩa. Và có lẽ, chính trong những khoảnh khắc đón nhận ấy, nỗi đau trở thành nguồn sống, giúp ta vững tin và yêu thương cuộc sống này hơn bao giờ hết, vì ta biết mình được thông phần vào Thập giá Đức Kitô.

Xin góp chút suy tư nhỏ bé được đánh động từ chia sẻ của các chị em Nhà Đệ Tử dòng Đức Bà Truyền Giáo trong giờ học về Giá trị bản thân (GV: Lm Phêrô Nguyễn Văn Quý, SJ), chỉ mong rằng hành trình mỗi người trải qua sẽ đầy ý nghĩa và hy vọng.

Mỗi người có một cách đón nhận khác nhau, và đó chính là điều làm cho cuộc sống trở nên phong phú. Trong những thử thách, những đau thương, ta dần tìm thấy Nguồn Cứu Độ, một niềm hy vọng lấp đầy và làm triển nở cuộc sống hiện tại.

Teresa Đoan Trang

Đệ tử dòng Đức Bà Truyền Giáo