TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CN IV MV - A

“MỘT TRINH NỮ MANG THAI”



Trong ba tuần lễ từ đầu Mùa Vọng, Phụng vụ nói với chúng ta về những lời tiên báo của các ngôn sứ về Đấng Thiên Sai. Chúa nhật thứ bốn này, Lời Chúa nói với chúng ta cụ thể hơn về những dấu chỉ của thời Thiên sai và về những nhân vật có liên quan. Thánh Giuse và Đức Trinh nữ Maria là hai nhân vật được Thiên Chúa chọn để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, tức là mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người. Maria sẽ là người sinh hạ Ngôi Lời. Giuse sẽ là người bảo vệ và nuôi dưỡng Ngôi Lời trong tuổi ấu thơ.

Nói đến việc một trinh nữ mang thai, nhiều người sẽ cho đó là chuyện thần thoại và là điều không tưởng. Tuy vậy, điều không tưởng đối với loài người lại là điều hiện thực đối với Thiên Chúa, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì mà Ngài không làm được” (x. Lc 1,37). Nếu ban đầu, từ hư vô Chúa đã dựng nên mọi tạo vật và dựng nên con người, thì việc một trinh nữ mang thai không có gì là khó đối với Ngài. Quyền năng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự, vượt qua trật tự của thế giới tự nhiên.

Một trinh nữ mang thai. Trước hết đó là lời sấm của ngôn sứ Isaia tuyên bố với vua A-khát. Vị vua này đã để lại dấu ấn tăm tối trong lịch sử Israel. Vào thời điểm khoảng năm 736 trước Công nguyên, xứ Giuđêa và thủ đô Giêrusalem bị chiến đóng bởi vương quốc phía Bắc (vương quốc Israel) và các thế lực ngoại bang, A-khát đã tìm đến những liên minh chính trị mà không màng đến việc kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ngôn sứ Isaia cho đó là lầm lạc. Ông kịch liệt phản đối lập trường của vua, và ông đề nghị vua, nếu không tin vào Thiên Chúa, thì hãy thử xin một dấu lạ, để nhận thấy quyền năng của Người. Mặc dù A-khát không xin, thì Chúa vẫn cho một dấu lạ, đó là một trinh nữ sẽ mang thai.

Có thể người trinh nữ (hay thiếu nữ) mang thai được vị Ngôn sứ nói tới là vợ của A-khát. Sau đó bà đã sinh hoàng tử Khít-ki-gia-hu, người kế vị A-khát và được truyền thống Kinh Thánh coi như ông vua đạo đức tốt lành. Dưới nhãn quan Kitô giáo, người trinh nữ được ngôn sứ Isaia nói tới chính là Đức Trinh nữ Maria. Đây không chỉ là phỏng đoán suy luận, nhưng là lời Sứ thần nói với ông Giuse: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Lời Sứ thần cũng chính là lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo trước đó 8 thế kỷ.

Khi đón nhận lời tiên báo từ Sứ thần, Giuse, theo lẽ tự nhiên, hết sức ngỡ ngàng, vì theo lệ thường, một trinh nữ không thể nào sinh con. Sứ thần trấn an ông: “Vì người con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Quyền năng của Thiên Chúa vượt lên mọi nguyên tắc của trật tự tự nhiên.

Ngày lễ Giáng sinh đang có nguy cơ bị tục hoá hay thương mại hoá trong xã hội của chúng ta. Người ta ăn uống vui chơi trong ngày lễ Giáng sinh, không phải để mừng Chúa ra đời, mà để mua sắm và hưởng thụ. Phụng vụ muốn chúng ta nhận ra Đấng Emmanuel đang hiện diện giữa cuộc sống đầy bon chen và gian nan thử thách này. Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đó là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Đấng cứu nhân độ thế. Người đang sống và đang hiện diện để chung chia phận người, với những gian nan vất vả bon chen xuôi ngược. Chúng ta hãy nhận ra dấu chỉ của quyền năng Thiên Chúa, qua Hài Nhi tại Belem.

Lễ Giáng sinh vừa là dịp để chúng ta đón Chúa vào tâm hồn, vừa là lời mời gọi chúng ta hãy can đảm loan báo Chúa Giêsu cho những người xung quanh. Thánh Phaolô đã nói lên sứ mạng quan trọng mà ông được Chúa trao phó, đó là loan báo Tin Mừng. Nội dung Tin Mừng là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu vừa là người rao giảng Tin Mừng, vừa là chính Tin Mừng của Thiên Chúa. Bởi lẽ trọn vẹn cuộc sống và sứ mạng của Người đều nhằm diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, và mời gọi mọi người chung tay xây đắp cuộc sống an bình.

Chúa nhật thứ bốn của Mùa Vọng cũng được gọi là Chúa nhật của Đức Trinh nữ Maria. Những lời các ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa đã thực hiện nơi Đức Trinh nữ thành Nagiarét. Lời một thánh thi đã ca ngợi: “Mẹ sinh Chúa thiên đình, Đấng tạo thành nên Mẹ, trước sau vẫn khiết trinh, ôi lạ lùng khôn ví”.

Chúng ta hãy đón Chúa Giêsu với tâm tình của Thánh Giuse và Mẹ Maria. Đó là tâm tình vâng phục, phó thác và yêu mến. Hãy cậy trông vào Chúa vì “không có gì mà Ngài không làm được”. Lịch sử và kinh nghiệm thực tế đã chứng minh: Những ai yêu mến Chúa và chuyên tâm thực thi lời Ngài sẽ không bao giờ phải thất vọng.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: TGP Hà Nội