TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


TRƯỜNG ĐỜI


Nếu ví trường học là xã hội thu nhỏ thì xã hội cũng như một ngôi trường lớn. Trong trường phổ thông, ta còn nhỏ dại nên có thể “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”, gánh nặng cơm áo gạo tiền chưa đè nặng, còn có cha mẹ, thầy cô kèm cặp ta. Đó là độ tuổi vô tư, nhạy cảm, đầy khát vọng, đồng thời nổi loạn và bấp bênh. Vì vậy, trẻ em và thanh thiếu niên mới cần đến trường, để học kiến thức căn bản và được thầy cô dìu dắt theo con đường đúng đắn. Những ai quá lơ là, lười biếng khi ngồi ghế nhà trường sẽ phải học lại các bài học mình đã bỏ bê theo cách đầy gian khó ở trường đời.

Việc học chưa bao giờ chấm dứt khi người ta đã có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc đại học. Với những người không đủ điều kiện đến trường, họ luôn có thể học hỏi từ cuộc sống. Cổ nhân từng dạy “nhân bất học, bất tri lý”, không chịu học thì làm sao biết đúng sai, biết điều hay lẽ phải trong đời.

Một giáo sư trưởng khoa đã dặn các sinh viên năm nhất của mình: “Khi còn học phổ thông, thầy cô lúc nào cũng gò ép, đôn đốc, thậm chí soạn sẵn đề cương để các em ôn tập mỗi kỳ thi. Lên đại học, giảng viên chỉ truyền thụ kiến thức, các em sẽ phải tự học, tự tra cứu. Đại học tự do thoải mái hơn trường cấp ba thật đấy, có điều tự do luôn đi kèm trách nhiệm. Ở đây, các em sẽ chọn lựa môn học, cách thức học và phải chịu trách nhiệm cho việc học của mình. Tương lai nằm trong tay các em chứ không phải thầy cô. Hãy tận dụng những năm tháng sinh viên cho xứng đáng!”

Con đường học hỏi ở trường đời cũng vậy, vận mệnh của ta do chính ta quyết định. Càng chủ động học hỏi và nắm bắt cơ hội, càng có nhiều quyền tự do và “đỗ đạt” trong trường đời.

*

1. Nhìn một Nàng Thơ thon thả, xinh đẹp, đầy sức sống đi trên đường, hai cô gái thoáng ghen tị, bảo nhau: “Sinh ra đã đẹp sướng thật!”. Có biết đâu “con ong chăm chỉ” ấy thích thể thao, tuân thủ nếp sống lành mạnh, hàng ngày dậy sớm chạy bộ trước khi đi làm. Hai cô kia thì xuề xòa chẳng bao giờ tập thể dục, rảnh là ngủ nướng tới 9-10 giờ, ăn uống tùy hứng, đã thế lại hay thức khuya xem phim và hóng “drama” trên mạng.

Không ai tự dưng xinh đẹp, tài giỏi, chỉ có người hưởng quả ngọt từ nỗ lực rèn luyện bản thân. Họ như học sinh giỏi bị bạn cùng lớp ghen tị, bình phẩm “chỉ giỏi ‘nịnh’ thầy cô”, “tại may mắn có gia thế tốt”, “được cha mẹ nâng đỡ”... Ít ai biết họ cũng phải cố gắng nhiều mới đạt thành tựu. 

2. Một thanh niên mới ra trường, mãi chưa tìm được việc làm đúng chuyên ngành, phải làm đủ nghề để “lấy ngắn nuôi dài”. Dù nhiều lần bị đồng nghiệp và cấp trên chê cười “có vậy cũng không biết”, anh vẫn không buồn bã quá lâu mà luôn tự nhủ: “Chưa biết thì học, có gì phải xấu hổ?”

Nhiều năm sau, nhờ vốn sống phong phú cùng thái độ cầu thị, anh trở về làm chuyên ngành đã được đào tạo. Ai cũng thấy con đường sự nghiệp của chàng trai rất xán lạn, bởi anh luôn học hỏi không ngừng.

3. Cặp vợ chồng son kia rất hay cãi vã vì dẫu đã kết hôn, chồng vẫn giữ thói quen thời độc thân, bạn “hú” một tiếng là bỏ hết mọi sự, đi chơi cùng hội anh em tới khuya. Mẹ anh và vợ khuyên bảo mãi không xong, chỉ khi ông bố đích thân làm căng, anh mới chịu vào khuôn phép. Thế nhưng, người chồng luôn xưng xỉa vì không được thường xuyên đi chơi với đám bạn như trước. 

Anh làm việc nhà với thái độ khó chịu, bực tức, y như cậu học trò bất trị, bị bố mẹ ép nên mới cắn răng đi học, khiến cho vợ lắc đầu ngao ngán. 

**

“Ầu ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi, mẹ dắt con đi.

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”

Lời ru quen thuộc nhắc ta rằng dù là người lớn hay trẻ em cũng đều phải học.

Nhiều người tin rằng trường đời gian nan hơn trường học, lỡ sai lầm, thất bại sẽ phải trả giá đắt nhưng cũng là thế giới tự do, rộng mở và phong phú hơn - nơi con người không chỉ là học trò mà còn là thầy dạy, nơi mỗi trải nghiệm đều có thể trở thành bài học vô giá. Ở trường đời, không còn cha mẹ, thầy cô đốc thúc ta học, chỉ có ta tự giác lo thân. Lười nhác hay chăm chỉ, cầu tiến hay “cầu an” đều tùy thuộc vào chính mình.

Việc học là một hành trình suốt đời, suy cho cùng, “học hỏi là điều duy nhất mà trí tuệ không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ sợ hãi và không bao giờ nuối tiếc” (Leonardo da Vinci). Người học được ví như cây bút chì, phải chịu gọt mỗi ngày để trở nên hữu dụng, để viết nên trang đời của mình cho đến phút cuối.

Bs Nguyễn Lan Hải

Bài đăng trên báo Công giáo và Dân tộc.

***

Hình minh họa trên mạng: Bạn trẻ bước chân trên trường đời, những đỉnh núi xa kia là những trang sách, cuốn sách.