TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


LỜI NÓI GÂY SÁT THƯƠNG

 

Hãng nội thất IKEA của Thụy Điển từng làm thí nghiệm tại một trường học phổ thông quốc tế ở Trung đông (UAE), nhằm chứng minh sức mạnh của lời nói. Trong khuôn viên trường, họ trồng hai cái cây giống nhau, chế độ chăm sóc y hệt nhau. Khác biệt duy nhất là cách mọi người đối xử với cây. Hãng IKEA yêu cầu học sinh nói lời tử tế, yêu thương với một cây và chê bai, giễu cợt cây còn lại.

Mỗi ngày, các học sinh khen cây số 1 “bạn thật xinh đẹp, xanh tươi” và động viên, khích lệ cây đầy trìu mến . Với cây số 2, học sinh nói toàn điều tiêu cực, mắng “mày là đồ vô dụng, rác rưởi” . Dần dần, cây số 1 ngày càng xanh tốt, cây số 2 thì héo úa.

Kết quả thí nghiệm đã góp phần chứng minh sức mạnh của ngôn từ to lớn nhường nào. Ngay cả cây cối còn bị tác động, huống chi con người.

***

Sự thật đắng lòng là những lời nói “giết người không dao” - tương tự sự bội phản, không đến từ kẻ thù mà đến từ người thân tín. Có lúc chính ta lại là thủ phạm gây ra đau đớn cho người thân, vợ/ chồng mình bằng lời nói.

Bạo lực ngôn ngữ trong hôn nhân không chỉ có chửi bới, nhục mạ, mắng mỏ hay chì chiết. Mà còn biểu hiện dưới dạng thao túng tâm lý như cố ý đổi trắng thay đen, đổ lỗi hoặc coi thường cảm xúc của nạn nhân,… Đôi khi thủ phạm không hề nặng lời, ngược lại còn ngọt nhạt với nạn nhân. Nhờ thế, ngấm ngầm bẻ gãy ý chí tự do, sự tự tin và sáng suốt của “con mồi”. Tâm lý học dùng thuật ngữ “Gaslighting” để chỉ dạng thao túng này. Chẳng hạn:

Cha mẹ thường nhân danh tình yêu, thao túng con cái bằng lời nói để gò ép chúng: Bắt con phải trưởng thành quá sớm, phải hy sinh nhu cầu cá nhân, không được phép “ích kỷ” hay bộc lộ cảm xúc. Mỗi khi con phàn nàn, họ đều bảo: “Bố/ mẹ làm thế vì yêu thương con!”, “Bố/ mẹ đã làm việc vất vả vì con, con phải ngoan”, “Con đừng ích kỷ! Phải nhường em/ nhường bạn chứ!”,…

Một người chồng lúc nào cũng thủ thỉ khuyên vợ nghỉ làm, bớt đi chơi với bạn bè, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình. Dù được chu cấp đầy đủ, cô vợ lại mất đi tự do và các mối quan hệ bên ngoài. Đến lúc “có biến”, người vợ hoàn toàn thúc thủ, không còn đồng minh và phải phụ thuộc vào chồng. Anh ta có khệnh khạng hay coi thường thế nào, cô cũng phải nín nhịn hết lần này đến lần khác.

Một người vợ hẹp hòi, ích kỷ “dụ” chồng xa lánh nhà nội, bỏ bê nghĩa vụ báo hiếu cha mẹ, bỏ cả tình ruột thịt. Hồi nhỏ, ta đã biết điều này qua truyện cổ tích “Ăn khế trả vàng”: Sau khi hai anh em đã thành gia thất, người anh bị vợ xúi nên nổi lòng tham, đuổi vợ chồng em trai, chiếm trọn căn nhà cha mẹ để lại, chỉ chia cho người em một túp lều lụp xụp và cây khế.

***

Trong hôn nhân gia đình, bạo lực ngôn ngữ tác động mạnh mẽ hơn tới người trong cuộc so với ở trường học, công sở và những nơi khác. Bởi gia đình là cội nguồn và bóng mát cuộc đời của mỗi người. Một cái cây bị hư hại phần rễ, chắc chắn sẽ không thể phát triển bền vững, thậm chí chết dần từ bên trong.

Một người chồng thô lỗ, thích chê bai, chửi mắng và “dìm hàng” vợ lâu dần sẽ biến vợ thành kẻ tự ti, nhút nhát hoặc “bà la sát” đanh đá.

Tương tự, người vợ chanh chua, đành hanh, hay đòi hỏi sẽ khiến chồng chán nản và mệt mỏi mỗi khi về nhà. Hậu quả là ông chồng dễ sa ngã vào tệ nạn hoặc trở thành người vô tâm, cáu kỉnh với vợ con.

Cuối cùng, gia đình từ tổ ấm biến thành chiến trường.

Những đứa con có cha/ mẹ hoặc cả hai đấng sinh thành thích bạo lực ngôn ngữ thì sao? Chúng thường lớn lên với lòng tự trọng thấp, khó kiểm soát cảm xúc, dễ bị lợi dụng. Có người bế tắc và bất lực, kết thúc đời mình trong nghiện ngập hoặc tự tử. Một số cũng nên người tử tế, không lặp lại bạo lực ngôn từ lên bạn đời và con cháu mình. Một số khác chọn sống độc thân do mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân,...

Dù người hứng chịu bạo hành ngôn ngữ là vợ chồng, cha mẹ hay con cái, những vết thương lòng sâu hoắm vẫn sẽ đeo bám người đó rất lâu, đến suốt đời.

Với người lớn, nếu đủ dũng khí bước ra khỏi cuộc hôn nhân “toxic”, rời xa kẻ luôn nói lời tổn thương, họ có thể tự chữa lành. Trẻ nhỏ chưa hình thành lòng tự trọng và “cái tôi” rõ ràng, giống cục đất sét ướt, mọi ấn tượng đầu đời và ảnh hưởng từ gia đình sẽ in hằn vào tâm tính chúng vĩnh viễn.

Đây là lý do người Ả Rập nói: “Có 4 điều không thể quay lại: Lời đã nói, mũi tên đã lao đi, cuộc đời đã sống, cơ hội đã bỏ qua”. Tôn Tử cũng dạy rằng: “Tặng người lời nói, quý như châu báu; hại người bằng lời, nặng hơn kiếm giáo”.

Bs Nguyễn Lan Hải

Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc