TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


LÀM GÌ KHI CON BỊ ĐIỂM KÉM?


         Điểm số bị so sánh, bắt ép con học thật nhiều, xoáy sâu vào chuyện con bị điểm kém để chê trách, kết tội con là câu chuyện diễn ra mỗi khi năm học mới bắt đầu.

         Tuy nhiên, điểm số không phản ánh được đầy đủ năng lực, trình độ của học sinh. Nếu người lớn quá coi trọng điểm số, sẽ tạo thành áp lực với con trẻ.


          Nhớ lại đầu năm học lớp 6, cậu con trai mang về bài kiểm tra Toán 15 phút đầu năm với điểm dưới trung bình. Tôi cảm thấy khá sốc và thực sự buồn bởi 5 năm học tiểu học, năm nào con cũng học Toán giỏi nhất lớp với giải thưởng cấp quận.


            Ngay lập tức, tôi hỏi con câu hỏi quen thuộc: Bạn ngồi cạnh con mấy điểm? Lớp con có nhiều bạn điểm 9, 10 không? Con thấy các bạn được 9, 10 mà không thấy xấu hổ ư?!... Cậu con trai rưng rưng nước mắt: Bài kiểm tra sau sẽ không như thế. Bài này do con chủ quan nên nhầm lẫn…


            So sánh với bài tập con đã làm, những kiến thức con đã được học, quả thực không khó. Nhưng có lẽ do mải chơi, hay áp lực về bài kiểm tra đầu năm, con làm bài không tốt. Khi lấy lại bình tĩnh, tôi nghĩ, con lên lớp 6, các môn học có nhiều thay đổi so với tiểu học, mình cần đồng hành cùng con.


              Mỗi ngày, hướng dẫn giảng giải cho con bài khó, con tiếp thu và thi đạt điểm cao. Điều tôi nhận thấy, nên thoải mái đón nhận vì con đã thực sự cố gắng và vui với những tiến bộ nhỏ nhất của con. Bắt ép con học thật nhiều, dọa dẫm con sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.


            Có lẽ câu chuyện của tôi cũng là câu chuyện của nhiều phụ huynh. Không ai có thể dễ dàng chấp nhận con học hành không bằng bạn bè, chấp nhận con bị điểm kém mà không đay nghiến, mắng mỏ! Nếu để ý các bố mẹ đón con ở cổng trường, hầu như câu hỏi đầu tiên dành cho con là: “Hôm nay con được mấy điểm?”.


           Khi con không đạt được điểm số như bố mẹ mong muốn, cha mẹ bắt đầu trách móc con và so sánh với bạn khác.


           Chia sẻ về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Việc học được đánh giá bằng điểm số sẽ dẫn tới việc áp lực thành tích đè nặng lên vai đứa trẻ và nhà trường. Mỗi một bài học, mỗi một con chữ, trẻ đều phải cố gắng làm sao có điểm cao nhất. Áp lực này sẽ khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi và chán học. Cũng vì khao khát điểm số, cha mẹ sẽ thúc giục con học nhiều hơn. Điều này làm chính cha mẹ cũng mệt mỏi. Ngoài ra, áp đặt thành tích lên con mình còn tạo ra một tính cách không tốt cho trẻ là sự ganh đua và tính ghen ăn tức ở.


              Kiến thức các môn học không phải là thứ duy nhất mà trẻ phải học hỏi. Kiến thức đó trẻ có thể bổ sung bất kể khi nào nhưng những kỹ năng muốn có cần phải được đào tạo cẩn thận và được trau dồi liên tục qua nhiều năm tháng. Nếu cha mẹ quá quan tâm đến kết quả học tập, cha mẹ chẳng những không giúp gì cho con mà thậm chí còn làm lệch hướng GD của con theo chiều hướng xấu đi.


           Đề cao vai trò của cảm xúc đối với kết quả học tập của HS, cô Huỳnh Mai Trang, giảng viên Trường ĐHSP TPHCM nhấn mạnh: Những cảm xúc trong học tập như niềm vui, niềm tự hào, giận dữ, lo lắng, xấu hổ… có vai trò quan trọng đối với việc học tập. Cảm xúc thay đổi ở các môi trường học tập khác nhau, chẳng hạn như trong trường học, giờ học, hoặc khi làm bài kiểm tra - thi. Việc quan tâm đến cảm xúc của người học là điều cần làm.


              Có thể nói, kỳ vọng về thành tích của con trẻ, ước mơ con học hành giỏi giang không phải là xấu. Việc học hôm nay sẽ tạo tiền đề, nền tảng cho cuộc sống tương lai của trẻ là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, khi chúng ta đặt ra kỳ vọng quá lớn sẽ tạo nên áp lực với trẻ.


Theo TS Vũ Thu Hương, thay vì hỏi con về điểm số, cha mẹ hãy làm quen với câu hỏi: Hôm nay ở lớp có gì vui không con? Điều mà các phụ huynh cần biết là sau khi tan trường con đã học được gì hôm đó. Cha mẹ hãy tập thói quen đó để dễ dàng làm bạn với con. Những gì con học được ở trường mỗi ngày là điều quan trọng nhất.


Lê Đăng

Nguồn: Báo mới.com