CÁI CHẾT CỨU ĐỘ
Lc 22,14-23,56
Mỗi năm Phụng Vụ đều nhắc lại hành
trình lên Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su với ngày lễ Lá thật long trọng. Bài
thương khó theo thánh Luca trình bày, đã ghi lại một chuỗi những diễn biến thật
bất ngờ. Bằng một cuộc tiếp rước lớn lao của đông đảo dân chúng, những người
cùng làng, cùng quê, cùng một dân tộc đã đưa Chúa Giê-su vào thành bằng những
chiếc lá xanh, bằng áo trải ra đường, bằng tiếng hò reo vang dậy. Nhưng tiếp ngay
sau đó, cũng với những con người ấy họ kéo Chúa Giê-su vào sân tổng trấn Philatô
hò hét lên án. Họ dùng những dây roi gai quất ngang thân mình, những vòng gai
quấn chặt trên đầu, những thân cây thô ráp đè nặng trên vai, chèn vào hành vi hận
thù của họ là những tiếng thét gào sỉ vả đòi đóng đinh Chúa Giê-su.
Thực vậy, sự thay đổi quá nhanh, quá
kinh khủng của nhiều con người, hạng người xem ra mới thật ghê sợ. Chúa Giê-su trong thân phận làm người, Ngài
hiểu rất rõ bản chất của con người. Ngài biết rõ từng người đã đến với Ngài, những
người mà Cha chọn để sống với Ngài, chia sẻ với Ngài và cùng chung chia bữa ăn
với Ngài. Ngài biết rõ những người quyền thế trong dân. Ngài biết rõ các thượng
tế và kỳ mục trong dân. Ngài biết cả những người bên đường mà Ngài từng chữa
bệnh. Ngài biết luôn những người lính đang lăm le đến bắt Ngài và dẫn Ngài đi.
Ngài biết tất cả mọi người nhưng hình như chẳng ai biết về Ngài, biết rõ Ngài
và biết Ngài là ai. Nên ngay vào giây phút cần xác định Ngài Là Ai thì tất cả
mọi người đã quay lưng.
Cuộc thương khó của Chúa Giê-su dường
như là kết quả của một quyết định là “con người quay lưng” lại với Thiên Chúa,
từ chối Thiên Chúa và kết án Thiên Chúa. Con người không cho phép Thiên Chúa đi
vào cuộc sống của con người. Con người không thể hiểu và cũng không thể chấp
nhận Thiên Chúa có thể trở nên con người và làm người ở giữa dân của Ngài. Cuộc
thương khó của Chúa Giê-su như muốn nói lên việc Thiên Chúa không có quyền làm
sai ý con người và cũng không được quyền vượt trên tầm hiểu biết của con người.
Chính trong sự giằng co giữa quyền
của con người và của Thiên Chúa, Chúa Giê-su chứng minh rằng: “Thiên Chúa Tình
Yêu” sẽ vượt trên mọi rào cản của con người, cho dù rào cản cuối cùng của con
người chính là sự chết, thì Chúa Giê-su là Thiên Chúa Làm Người sẽ giúp con
người hiểu được thế nào là Chúa của Sự Sống qua cái chết bằng thân xác của con
người.
Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su không
phải là một vở kịch của lịch sử, mà là một Thiên Chúa thật và là con người thật,
và Người ấy thật sự tự do chọn lựa cách thế để minh chứng tình yêu. Khi phải chọn
lựa cách thức để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho con người thì Người đã chấp
nhận tất cả mọi hệ quả của thân phận làm người. Người phải chịu đựng nỗi đau bị
các bạn hữu của mình bỏ rơi. Người đã phải chịu đựng nỗi đau bị môn đệ của mình
phản bội. Người đã phải chịu đựng nỗi sợ hãi và cơn hấp hối trong vườn cây dầu,
và Người không hề được một ai nâng đỡ trong suốt cơn hấp hối. Người là đối
tượng bị khinh miệt bởi những lời vu khống, tố cáo gian ác. Người đã phải chịu
đựng những lời xỉ vả, những trận đòn, khạc nhổ, chế nhạo, những trận đòn roi,
mạo gai và những cây đinh xuyên thấu da thịt. Người đã phải chịu đựng nỗi ô
nhục vì bị kết án đến chết, như một tên tội phạm. Khi sắp chết, Người vẫn còn
phải chịu đựng thêm những lời gièm pha, chế nhạo, giễu cợt.
Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu đem lại
lòng can đảm, sức mạnh và niềm hy vọng cho tất cả những người đau khổ, những
người bị bất công dập vùi, bị vu khống, thóa mạ … có được sự an ủi. Vì họ biết
mục đích cuối cùng là họ được Chúa Giê-su đồng hành trong hành trình minh chứng
tình yêu Chúa ở với nhân loại hôm nay. Điều này có nghĩa là những người đang
chết cùng với Chúa Giê-su trên thập giá yêu thương, chúng ta không còn cô độc
nữa.
Sr Maria Tuyết Mậu, RNDM