TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN 4 MÙA CHAY NĂM C


CON NAY TRỞ VỀ

Lc 15,1-3.11-32

"Sự trở về của đứa con hoang đàng" (The Return of the Prodigal Son), tranh sơn dầu (206 x 262 cm), vẽ năm 1669, được coi là kiệt tác cuối đời, một đỉnh cao nghệ thuật của danh hoạ Rembrandt Harmenszoon van Rijn người Hà Lan, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg, Nga. Bức tranh này được xem là bản di chúc tinh thần của Rembrandt (1606-1669), và ngay từ khi mới ra đời, nó đã được xem là một kiệt tác hội họa của nhân loại.

Bức tranh này đã cuốn hút Linh mục Henri Nouwen (1932–1996) đến nỗi Cha đã viết cuốn sách mang tựa “Sự trở lại của đứa con trai hoang đàng: Câu chuyện về quê hương” (1992). Cha Henri Nouwen sử dụng ngụ ngôn của thánh sử Luca 15,1-3.11-32 và bức tranh của Rembrandt làm khung cho những suy nghĩ và chiêm nghiệm về đời sống tâm linh của mình.

Bức tranh "Sự trở về của đứa con hoang đàng" đã diễn tả hình ảnh đứa con sau bao năm đi hoang, đã trở về trong tấm áo rách rưới. Khi anh trở về, anh đã được người cha già ôm chầm vào lòng với đôi tay choàng lấy đôi vai của anh. Người Cha ấy với hai bàn tay, một tay thì mạnh mẽ, vững chãi, rắn rõi để bảo vệ con mình. Bàn tay ấy mang hình ảnh của người Cha như đỡ như nâng. Còn lại một bàn tay lại mềm mại, dịu dàng, thon nhẹ như ve vuốt nỗi đau buồn hối lỗi của một đứa con yêu. Bàn tay ấy như nhắc nhớ hình ảnh người Mẹ vỗ về an ủi con thơ. Đôi bàn tay vừa là Cha lại vừa là Mẹ ấy đã ôm choàng lấy anh, còn anh thì chỉ biết tựa đầu vào lòng Cha, nép mình vào cung lòng của Mẹ mong được sưởi ấm, xin được cưu mang và ao ước được sinh ra lần nữa. 

Trước người vừa là Cha lại mang tấm lòng người Mẹ ấy, cậu thanh niên ngày nào đã rất ngông nghênh, nganh ngạnh, có lúc còn lớn tiếng hỗn hào để đòi lấy đi tài sản của Cha. Nay khi trở về, có lẽ là lần đầu cậu biết quỳ trước Cha. Cậu gục đầu vào lòng, tựa mình vào tim Cha để cảm nhận và cảm nghiệm về Cha và về mình.

Chỉ khi cậu gục đầu vào lòng Cha, tựa mình vào tim Cha, cậu mới có thời gian để cảm nghiệm và cảm nhận. Cậu bắt đầu đọc lại câu chuyện đời mình. Cậu thấy và cậu nhận ra: Chỉ vì cậu tự cho mình cái quyền làm con thì có quyền “sở hữu” tài sản của Cha. Cậu lại gắn cái quyền ấy trong cái nhãn mác “tự do” để đòi tài sản của Cha như một kẻ chiếm đoạt tài sản người khác mà không hề xấu hổ. Từ trước đến giờ, cậu chẳng hề quan tâm đến Cha nhưng chỉ biết quan tâm đến tài sản của Cha. Hình như bên trong cậu và cả những người thân của cậu là người anh cả của cậu, cả hai anh em cậu chắc chưa một lần biết quan tâm đến Cha. Họ chẳng hề biết gì về Cha hay hiểu tâm trạng của Cha cho dẫu các cậu và Cha của mình sống trong cùng một mái nhà.

Chỉ đến hôm nay, khi tài sản không phải là của mình nhưng là tài sản của Cha mà cậu chiếm đoạt đã rời xa cậu. Lúc này, cậu mới có thời gian ngồi mà suy nghĩ lại. Cái tài sản mà cậu bắt Cha phải chia cho mình, cái tài sản của Cha mà cậu đã đòi buộc Cha phải cho, cái tài sản mà cậu không một lần làm lụng vất vả để có nên cậu chẳng hề biết giá trị của nó là gì. Vì vậy, những tài sản là giá trị của Cha đã trở thành tài sản vô hồn trong cậu và dưới tay của cậu. Thế là, những tài sản ấy đã buồn bã ra đi, chúng rời cậu và để cậu lại với một tấm thân rách nát, tâm hồn trống rỗng và thật vô nghĩa với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh mình.

Tuy vậy, cậu vẫn còn một chút trí hiểu, trí khôn và trí nhớ để biết rằng mình còn một người Cha, một mái nhà để về. Sự hối tiếc trong cậu về ngôi nhà xưa và trí nhớ đã khơi lên trong cậu một cảm xúc được yêu thương, tin tưởng và nó đã đưa cậu trở về với Cha.

Chàng thanh niên ấy sau bao năm với kinh nghiệm tự quyết cho đời mình. Ít nhất, cậu cũng có một lần làm quyết định đúng là lê gót trở về. Cậu trở về trong tấm thân tàn tạ, đôi dép mà cậu lê lết trên đường về nhà đã chẳng còn nguyên. Chiếc dép ấy cũng đã rơi ra, nó như muốn phơi bày tất cả con người thật nhơ uế của cậu trước tấm lòng của Mẹ. Chiếc dép ấy rơi khỏi chân cậu khi cậu được bàn tay của người Mẹ vuốt ve, vỗ về. Chiếc dép ấy đã tuột khỏi chân cậu như một lời hứa sẽ chẳng bao giờ ngu dại để bỏ nhà đi. Nhưng một bên với cánh tay mạnh mẽ của Cha, chiếc dép ấy lại như lời đoan hứa, cậu sẽ mạnh mẽ xỏ chân vào giày mới và bước theo Cha làm lụng, cày xới để hiểu rõ giá trị của tài sản sẽ là gia sản mà cậu sẽ có được và sẽ được trao vào một ngày thích hợp.

Tuần thứ 4 mùa Chay, khi đọc lại tin mừng của thánh Luca về một Người Cha nhân từ luôn mong ngóng con mình quay về. Tuần thứ 4 mùa chay này nhắc nhớ ta về một sự trở về. Thực tế, ta chỉ có thể trở về khi ta biết rằng có ai đó chờ đón mình, mong ngóng mình và ta nhận biết được tình yêu thương của người mong ta trở về dành cho mình. Đôi lúc, trong cuộc sống hiện tại, đâu đó trong cuộc đời sẽ có ai đó không muốn trở về. Chỉ vì họ không biết trở về đâu và nơi đâu là nơi chốn để trở về. Hoặc ai đó trong cuộc sống đã mất niềm tin vào những cuộc trở về vì cuộc trở về đó không có ý nghĩa gì với họ.

Vậy hãy nhìn về người Cha nhân từ, người Mẹ yêu thương họ là những người đã chịu nhiều đau đớn để sinh ra ta. Cũng từ nơi họ ta đọc ra tình yêu Thiên Chúa đang xót xa cho ta. Vì nếu một ngày nào đó Thiên Chúa là Cha và là Mẹ của ta sẽ mất ta mãi mãi. Còn ta sẽ chẳng bao giờ được cảm nếm tình yêu thật của Người. Để từ đó, ta biết trở về để gặp lại Người Đã Sinh Ra ta và về sống cùng Người trong cùng một mái nhà.

Sr Maria Tuyết Mậu, RNDM