TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN C


SOI MÌNH TRONG GƯƠNG THẦY GIÊSU

Lc 6,39-45

Nhà hiền triết Socrate có câu nói thời danh: “Hỡi người, hãy tự biết mình.” Trong binh pháp Tôn Tử lại có viết: “Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại.” Đó là những gợi ý của Socrate và Tôn Tử đã đúc kết từ kinh nghiệm mà họ đã sống. Việc này nhằm giúp con người nhận thức việc quan trọng của con người và trong nghệ thuật làm người đó là tự nhận biết mình. Việc này là việc cần thiết và cần làm trong các mối tương quan xã hội giữa con người với nhau.

Trong tin mừng hôm nay, thánh Luca chỉ rõ việc Chúa Giêsu dạy cho môn đệ của Ngài phải tự biết mình như thế nào. Ngài nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”. Cặp mắt là để nhìn mà khi cặp mắt ấy bị che đi bằng cả một cái xà thì còn thấy gì nữa. Vậy mà họ vẫn thấy, họ thấy cái rác trong mắt anh chị em mình cho dù cái xà đã che mắt họ.

Thói tật bới lông tìm vết hay bới lỗi phản ánh nội tâm của con người. Trong tâm lý học, một vài nhà tâm lý gợi ý cho ta nhìn thói tật này như một sự phóng chiếu. Nếu tấm gương phản chiếu mọi vật, thì thói bới lỗi phản chiếu những bản chất tự bên trong của con người. Tâm lý phòng vệ cảm xúc bằng cách phóng chiếu ý nghĩ của bản thân lên người khác. Hành vi chỉ trích lỗi lầm của người khác, thậm chí còn luôn muốn “giúp” người khác chỉ ra điều gì sai và nên làm gì để khắc phục. Họ đánh giá và soi mói những điều tiêu cực của người khác một cách đầy phẫn nộ hoặc mỉa mai. Họ nhìn người đó như một tấm gương phản chiếu chính nội tâm bên trong mình, họ đang chỉ trích những thứ luôn tồn tại bên trong họ, những thứ mà họ chán ghét ở bản thân nhưng không sao giải quyết với bản thân mình được. Khó khăn một điều, chính người có những cơ chế phòng vệ không hề biết rằng những điều họ làm trong cuộc sống chính là đang giúp họ đối phó với những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Vì bên trong mỗi người đều được che chắn bởi những lớp tường thành mà họ tự dựng lên một cách vô thức hoặc có ý thức.

Thế mới thấy, Đức Giêsu bậc thầy tâm lý. Ngài không chỉ thấy cái bên ngoài của các môn đệ nhưng là nhìn được cái từ bên trong của những người đồ đệ mà Thầy trân quý. Thầy chỉ ra và giúp họ nhận thức rõ trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người, hiểu đúng về mình đã khó, đánh giá chính xác người khác còn khó hơn nhiều. Vì bản chất con người là tổng hòa các quan hệ xã hội, do đó khi xem xét, nhận định về nhân cách một con người, đòi hỏi phải có sự bình tĩnh, thận trọng, thấu đáo, khách quan và vô vị lợi. Bất cứ sự vội vàng, hời hợt, cẩu thả nào trong việc xem xét, đánh giá người khác cũng đều có thể gây ra những hệ lụy ngoài mong muốn cho cả những người phê bình và người được phê bình.

Còn hơn cả việc nhắc nhở các môn đệ phải tự nhận biết mình, Đức Giêsu còn xác định: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.” Đức Giêsu cho các môn đệ biết rõ nếu bản thân bị mù thì không thể dắt ai. Vì chắc chắn mình sẽ dẫn người khác rơi vào hố sâu của thói quen theo quan điểm “mình là cái rốn của vũ trụ,” do chính bản thân mình tự đặt ra như một sự ảo tưởng bệnh lý về bản thân. Họ thường cho rằng điều mình nói ra luôn luôn đúng, ý mình nghĩ luôn luôn chính xác, việc mình làm luôn luôn là phải. Những quan điểm ấy có thể đội những bộ “lốt” rất đạo đức, thánh thiện hoặc mang nhiều hình thức bóng bẩy, thiện chí. Nhưng thực ra đó cũng chỉ là những hoa trái của “kẻ đạo đức giả” như Đức Giêsu đã thấy và đã khuyến cáo.

Vậy để soi theo tấm gương của Thầy Giêsu và bước theo Thầy mỗi ngày trong đời sống làm môn đệ, có thể luôn đòi ta một tâm tình luôn biết phản tỉnh, nhận thức hành vi bản thân, biết nhìn lại chính mình, soi mình trong tấm gương của Thầy Giêsu, chứ không phải là tấm gương có tên Thầy Giêsu nhưng ẩn sau đó là tên của mình, việc của mình, danh của mình và lợi của mình để mọi người nhìn thấy mình và tung hô mình.

Tuy vậy, ai cũng có con đường để đi và để cải hóa. Có thể vào một thời điểm nào đó, người môn đệ Thầy Giêsu có đôi mắt bị khuyết tật vì cái xà đâm vào mắt, nhưng ta can đảm đến trao đổi, gặp gỡ, lắng nghe lời Thầy Giêsu dạy bảo, để Thầy Giêsu lấy ra và chữa lành, thì cũng là lúc ta có thể nhìn thấy người khác cách trong sáng hơn, khách quan hơn. Biết đâu, nhờ kinh nghiệm bị cái xà chắn ngang mắt nhưng ta đã được Thầy Giêsu mổ xẻ, lấy ra và chữa lành. Để từ kinh nghiệm ấy ta có được sự cảm thông hơn với những ai đang bị cọng rác che ngang mắt của họ.

Sr Maria Tuyết Mậu, RNDM