TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN C


NÓI RA MỐI PHÚC - CHỈ RA MỐI HỌA

Lc 6, 17. 20-26

Dịch Covid-19 vừa qua, làm vỡ toang nhiều cánh cửa trên thế giới này. Những cánh cửa của nhiều nước, nhiều nhà, nhiều hệ thống từ kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa…đều bị rách nát. Từ những khe hở của chỗ rách ấy, ta mới nhìn ra được một số hình ảnh đen đủi trên những tờ giấy có cái danh hiệu “chuyến bay nhân đạo, que test Covid-19 được hỗ trợ, gói cứu trợ người nghèo…” đã bị mục rữa vì những “nén bạc đâm toạc tờ giấy.”

Ở đời có câu “người tính không bằng trời tính.” Tài phú đến từ chuyện bất nghĩa thì ngàn tính vạn tính cũng khó mà giữ được. Nếu có giữ được thì cũng dần biến thành tai ương, phúc báo cũng trở thành tai họa. Vì lẽ ấy, mà có nhiều người mới hôm qua đang ở những địa vị cao và rất cao, bỗng hôm nay, chỉ trong một ngày họ rơi tõm vào vực sâu tù tội. Chung quy cũng bởi đồng tiền bất nghĩa, cái tâm bất nhân, cái tính bất trung, cái lời bất tín.

Cái gì là của bất chính, không do tự tay mình làm ra đều là trộm cướp. Trộm của nhà, cướp của người nhưng bằng nhiều từ ngữ hoa mỹ thì vẫn không che được cái thối nát bên trong. Từ những vật tư hữu nhỏ bé cho tới tài sản giá trị, không biết bao người đã dùng quyền, dùng lực mà hành người dân nghèo để lấy, lấy khi không được cho, lấy dùng của công làm của tư, dùng mọi cách để cưỡng ép chiếm đoạt bằng vũ lực hoặc quyền hành, có khi lại dùng mưu mẹo thủ đoạn để lừa gạt… thì những thứ mà họ có được đều là của trộm, đều là của cướp.

Bởi thế, cái “khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.” (Lc 6, 24 – 26)

Vì một khi đã là người trộm cướp, kẻ chiếm đoạt của người khác làm của mình thì cho dù có thoát khỏi lưới pháp luật, nhưng lương tâm lúc nào cũng lo sợ. Bên cạnh đó, cái tòa án đời này hay đời sau cũng đều giữ “cái lương tâm rách nát” của họ mà không làm sao giúp họ vá lại được. Chính vì thế, mà họ tự biến mình thành kẻ khốn trong mắt mọi người, trong lòng xã hội và trong cả sử sách của gia tộc.

Nhưng đâu đó trong xã hội hôm qua hay hôm nay, cũng có rất nhiều người cả đời chỉ biết sống lam lũ, cần cù và tiết kiệm, chân thật và khiêm tốn, thanh bạch và giản đơn nhưng có lẽ cả đời họ cũng chỉ gặp lắm cái trớ trêu, nhiều điều bất trắc.

Câu chuyện của họ xem ra rất gần với những điều mà thánh sử Luca viết trong câu chuyện khi Đức Giêsu từ trên núi đi xuống cùng với các môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn. Lúc ấy, “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.” (Lc 6, 2-23)

Đức Giêsu đã từ núi đi xuống, Ngài đã xuống thật gần và thật sát với đất bằng. Ngài ý thức rất rõ, hiểu biết rất sâu cái thân phận con người và nhất là thân phận người nghèo. Thân phận của kiếp người với hai chân đang đặt trên đất. Bởi đó cũng là thân phận của Ngài nơi làng quê Nazaret. Đức Giêsu trong thân phận con người và là một trong số những người nghèo giống bao người nghèo khác, nhưng có một điều khác biệt giữa Đức Giêsu với các môn đệ và với những người nghèo mà Ngài đang gặp gỡ vì Ngài LÀ THIÊN CHÚA, Ngài thuộc về Thiên Chúa, thuộc về “Trời”, thuộc về “Núi”. Nên Ngài muốn giải thích cho các môn đệ cũng như đám đông dân chúng hiểu, cái phúc không nằm ở chỗ nghèo nhưng là cái phúc “biết đủ là đủ.” Biết tự mình biến mình thành người nghèo đúng nghĩa hoặc chấp nhận cách sống nghèo đúng với tinh thần mà Nước Thiên Chúa, người của Thiên Chúa và người thuộc về Thiên Chúa đòi hỏi. Đó là có khả năng thoát khỏi mọi ràng buộc và những điểm tựa từ của cải, vật chất, danh vọng, quyền lực… để bước vào con đường tự hủy ngay trong xã hội mà họ đang sống, con đường khiến họ trở nên nghèo vì chấp nhận sống chân thật ngay trong một xã hội dối gian, chấp nhận sống thua thiệt ngay trong nơi chốn đầy những cạnh tranh thắng thua hơn thiệt. Sẵn sàng trở thành người nghèo để tâm hồn thanh thoát hầu dẫn tới niềm vui, hạnh phúc, và có khả năng tập trung vào những điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống làm người.

Vì giá trị cốt lõi của lối sống nghèo hay tinh thần nghèo mà Đức Giêsu gọi là mối phúc, chính là cái phúc khiến con người ngưng chạy theo những nhu cầu phù phiếm, những cái có thể biến cái lợi thế gian thành mối họa như vòng “kim cô kiềm tỏa” con người.

Vì vậy, sống nghèo và trở nên người nghèo cách tự do và tự nguyện để con người có một cuộc sống đơn giản, không màng danh, không thích lợi, không xu nịnh, chẳng ba hoa, không khoe khoang, chẳng luồn cúi. Cứ thế, lòng trí nhẹ nhõm, tinh thần thanh cao để biết tựa vào Chúa và tin vào Chúa ngay cả khi khốn cực, đói nghèo, ngay cả khi bị chê bai xua đuổi, khi bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa thì vẫn một lòng trông cậy và đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa. Từ đó, mối phúc bởi cái nghèo nhưng biết phó thác đã trở nên chìa khóa, tháo con người ra khỏi sợi xích của lời khen, tiếng chê, của quyền, của thế… của những cái thuộc về thế gian này.

Sr Maria Tuyết Mậu, RNDM