TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


SUY NIỆM CHÚA NHẬT II - PHỤC SINH


THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN – THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG

 

TIN MỪNG: Ga 20, 19-31

 

“Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.

 

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Đoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

 

Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.”

 

SUY NIỆM:

 

Chúa nhật thứ II Phục Sinh còn được gọi là Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót. Trong Chúa nhật hôm nay, Tin Mừng cho ta gặp gỡ một nhân vật quen thuộc, Tôma. Thánh nhân là một ví dụ “điển hình” về sự cứng lòng tin nhưng chính ngài cũng đã tuyên xưng đức tin một cách mạnh mẽ nhất, chân thành nhất. Và qua ngài, ta cảm nghiệm được sâu sắc lòng thương xót của Chúa trong sự kiên nhẫn tha thứ của Người.

 

Trong Tin Mừng Gioan, có ba lần Tôma xuất hiện và cả ba lần ngài được miêu tả như một tông đồ chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của sự kiện. Lần thứ nhất, ngài muốn cùng đi, cùng chết với Thầy khi Thầy trở lại miền Giuđê cho Lazaro sống lại (Ga 11, 14-15); lần thứ hai trong bữa tiệc ly, lúc ngài buồn bã vì biết Thầy của mình sẽ trở về cùng Cha nhưng chính ngài không biết Thầy đi đâu nên cũng không biết đường đi (Ga 14,5); lần thứ ba là hôm nay, khi các môn đệ báo tin cho Tôma rằng Chúa đã sống lại, ngài một mực ra điều kiện phải thực sự nhìn thấy Chúa. Nếu như Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chỉ cần nhìn thấy những dấu chỉ: ngôi mộ trống, những băng vải, khăn che đầu, là các ông đã tin thì Tôma lại hoàn toàn trái ngược. Ngài duy lý trí, hoài nghi, ngờ vực khi nghe tường thuật vể việc Thầy mình sống lại. Để tin, Tôma cần diện đối diện với Thầy. Để tin, Tôma cần giác quan chứng thực: tay ngài cần phải sờ, mắt ngài cần phải thấy.

 

Chúa Giêsu là Thầy của Tôma. Người biết và hiểu thấu con người của Tôma. Cho dù Tôma bi quan, đa nghi, luôn buồn rầu, sầu thảm thì Người vẫn yêu thương Tôma và không ngần ngại chọn gọi Tôma. Cho dù Tôma có làm ngơ, hờ hững, đặt điều kiện với việc Thầy mình sống lại thì Người cũng vẫn luôn kiên nhẫn với ngài. Chúa Giêsu bỏ qua, không chấp nhất và tiếp tục hiện ra với Tôma để chứng thực cho ngài tin rằng Thầy đã sống lại.

 

Thế đó! Lòng thương xót của Chúa thì tha thứ và khỏa lấp mọi lỗi lầm. Lòng thương xót của Chúa thì bao dung và kiên nhẫn vô điều kiện. Lòng thương xót của Chúa trao ban niềm tin và gieo mầm hy vọng. Chúa Kitô đã phục sinh và lòng thương xót của Người đã làm cho niềm tin của Tôma cũng được phục sinh ngoạn mục với Người.

 

Phải chăng chúng ta cũng có phần nào đó giống như Tôma? Phải chăng ở nơi nào đó trong chúng ta, trong thân xác, trong tâm hồn, trong tình thân với Thiên Chúa và tha nhân của chúng ta đã và đang dần “chết” đi? Còn chần chờ gì nữa, ta hãy chạy đến suối nguồn thương xót của Đức Kitô Phục Sinh, xác tín thân thưa với Người như Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28) để ta được chữa lành và hồi sinh trong tình yêu thương của Người.

 

“Ôi Thiên Chúa giàu lòng thương xót!

Chúa cứu con không tự vì con,

Nhưng do lòng ái tuất của Người,

Với ân huệ phong phú tuyệt vời.”

(Thiên Chúa giàu lòng thương xót – Ân Đức)

 

M. Ter Phương Dung, RNDM