TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


HIỆP HÀNH: HIỆP THÔNG và HÀNH ĐỘNG


            Những giáo dân nhà quê, giữ đạo bằng niềm tin đơn sơ, kính Chúa với lòng chất phác, yêu Chúa trong sự hồn nhiên chân thành… Họ chẳng biết triết học, càng mơ màng thần học. Bởi thế mà một đống giáo thuyết “Hiệp Hành” theo lối diễn giải kinh điển và từ chương của Giáo hội, thật quá xa vời với phần đông các Ki-tô hữu.

           Tuy vậy, Giáo hội khi đưa ra một Giáo huấn nào cũng đều phải dựa trên nền tảng Kinh Thánh và Truyền Thống. Nói có sách, mách có chứng: Phải trình bày, trích dẫn, giải thích… cặn kẽ thì đương nhiên rất dài rất rộng rất sâu. Giáo hội có hàng ngũ Giáo sĩ trong vai trò thầy dạy, sẽ đảm nhận bổn phận giải thích những Giáo huấn này cho giáo dân thấu hiểu và thực hành.

            Hiệp Hành với lý tưởng từ Đức Ki-tô: Thiên Chúa Làm Người và Ở Giữa Chúng Ta. Một Thiên Chúa cao sang quyền uy bất tận, dám chấp nhận thân phận phàm nhân thấp kém yếu hèn, chỉ để được sống với loài người, yêu thương cảm thông, nâng cao phẩm giá, rồi dẫn đưa về cùng đích hạnh phúc. Mầu nhiệm tuyệt vời này được linh mục nhà thơ Trăng Thập Tự đúc kết bằng cảm nghiệm thăng hoa của tâm hồn thi sĩ: “Có yêu hoa con cũng không làm lá/ Mà vì yêu con Ngài đã hóa thành người”.

            Một Thiên Chúa vì muốn “Ở với con người”, chấp nhận sinh ra trong cảnh khó khăn thấp hèn nhất để có thể “chơi” được với hết mọi hạng người kể cả trộm cướp, đĩ điếm, thu thuế... Để Ngài có thể “sống” với những cung đời khác biệt dù sang hay hèn, trí tuệ hay phàm tục. Để Ngài có thể “cảm” được mọi phận đời mà trong sâu thẳm tâm hồn biết bao điều không thể tỏ lộ.

             Và rồi Thiên Chúa đó đã ngự trong cung lòng một cô thôn nữ, ra đời trên máng ăn súc vật, đã lớn lên từng ngày nơi cái làng quê mùa Nazareth, đã dìm mình dưới nước như bao tội nhân, đã cười vang trong đám cưới với thịt rượu tưng bừng, đã thổn thức với những mảnh đời bất hạnh tội lỗi, đã khóc trước nỗi đau khổ của con người trong sự chia ly của cái chết.

           Thiên Chúa đó không chấp nhận để con người cứ ngụp lặn trong bể khổ trần gian, cũng không muốn con người vì sợ sệt thần thánh mà đánh mất tự do đời mình. Ngài với thân phận con người đã “Hiệp Hành” cùng họ, cho họ thấy tội lỗi gây nên đau khổ, và hướng dẫn họ đi trên con đường thiện lành để giải thoát nhằm đạt được hạnh phúc vĩnh cửu, điều mà con người hằng khát mong.

            Bởi thế, Hiệp Hành không phải là ngồi đó đôn đốc, cũng không đơn độc trên bục giảng kêu gào, cũng không hô hào người làm ta đứng ngó, cũng không phải trưng bày cho có bằng khẩu hiệu băng rôn. Hiệp Hành đơn giản là hãy làm theo gương một Đức Giê-su đã sống với loài người chúng ta thế nào: Ngài sống hết mình, và sống hết tình, phục vụ tha nhân, chết trên thập hình.

Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Giáo Xứ Hà Tiên