TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CỘNG ĐOÀN TU TRÌ

Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên

Đời sống cộng đoàn không phải là một khía cạnh như người ta có thể lầm tưởng nhưng là một thiết yếu của đời thánh hiến tu trì.

I. CỘNG ĐOÀN LÀ GÌ?

Theo xã hội học, người ta phân biệt đám đông, nhóm, và cộng đoàn.

1. Cộng đoàn không phải là một đám đông, một tập hợp của những người chỉ có gần kề nhau, không có một quan hệ đích thực với nhau. Họ đến với nhau rồi chia lìa nhau rất mau lẹ. Ví dụ: một số người ngồi trong một chiếc xe Bus, một đám đông họp chợ, một số khán thính giả trong rạp hát. Gặp nhau đó rồi mỗi người đi một hướng.

2. Cộng đoàn không phải là một nhóm.

Nghĩa là một người quy tụ lại cùng theo đuổi một mục đích chung. Ở đây có một số quan hệ bền vững giữa các thành viên, nhưng điều cốt yếu liên kết họ với nhau là công việc chungnhững quyền lợi chung và một mục đích chung. Thí dụ câu lạc bộ bóng đá, một hợp tác xã sản xuất, một ê-kíp nghiên cứu khoa học.

3. Vậy cộng đoàn là gì?

Là một nhóm người tạo lập với nhau những quan hệ bền vững mà mục đích chính không phải là cộng việc, nhưng là sự gặp gỡ và đón tiếp lẫn nhau. Tuy các thành viên cũng hướng về mục đích chung, nhưng căn bản hơn, họ thường hướng về nhau, và không phải chỉ sống bên nhau mà còn sống với nhau. Trong một ê-kíp hay một xã hội, phần cơ cấu tổ chức và lý trí là chính yếu, còn trong cộng đoàn, phần tâm tình mới là quyết định.

Kiểu mẫu đầu tiên là cộng đoàn hôn phối và gia đình. Lý do tồn tại của cộng đoàn này là cuộc chung sống, là đón nhận và yêu thương nhau, chia sẻ với nhau đời sống vật chất và tinh thần.

II. CỘNG ĐOÀN TU TRÌ LÀ GÌ?

1. Xét về mặt tự nhiên cộng đoàn tu trì gần với cộng đoàn gia đình. Nhưng cộng đoàn tu trì thiết yếu là một cộng đoàn đức tin, nên chỉ được nhận ra đúng với bản chất của nó với con mắt đức tin. Cộng đoàn tu trì được quy tụ lại nhân danh Chúa Ki-tô và chung quanh Chúa Ki-tô mà các thành viên quyết tâm đi theo.

Sự thánh hiến tu trì thiết lập một sự hiệp thông đặc biệt giữa tu sĩ với Thiên Chúa và trong Thiên Chúa, với các thành viên của Tu hội. Đây là yếu tố căn bản của sự hiệp nhất trong cộng đoàn (huấn thị những yếu tố căn bản phần II số 18).

Dĩ nhiên cộng đoàn tu trì cũng là một thực tại xã hội, cũng tuân theo một số định luật phát triển chung cho mọi xã hội loài người (có tổ chức, có phân công, có kỷ luật, có thưởng phạt…), nhưng vì bản chất sâu xa của nó thuộc trật tự ân sủng, nên văn kiện những yếu tố căn bản chỉ nêu lên một số yếu tố thiêng liêng như tinh thần Phúc Am, cầu nguyện, khổ chế và thập giá.

Đằng khác, có nhiều yếu tố tự nhiên giúp cho các thành viên được hiệp nhất, nhưng yếu tố căn bản vẫn là việc các tu sĩ đều được kêu gọi đi theo Chúa Ki-tô trong một Tu hội có một đoàn sủng chung, một truyền thống chung cũng như những luật lệ và một tinh thần chung.

Sự hiệp thông giữa các thành viên chỉ có được một cách chân thật là trong Chúa Ki-tô. Người là nền tảng của sự hiệp nhất. Bởi thế các tu sĩ trong một cộng đoàn càng tha thiết gắn bó với Đức Ki-tô và càng nhiệt thành quảng đại với ơn gọi thánh hiến của mình thì sự hiệp nhất huynh đệ càng mạnh mẽ và chân thật.

2. Đời sống chung

Đối với người tu sĩ, sự hiệp thông trong Đức Ki-tô được biểu lộ cách bền vững và hữu hình bằng cuộc sống chung.

Đời sống chung không phải là một điều phụ thuộc, nhưng là một yếu tố cốt yếu trong các yếu tố cốt yếu của đời sống tu sĩ. Nó quan trọng cho đời thánh hiến đến nỗi các tu sĩ bắt buộc phải sống chung theo lời khấn (NYT, II, 19). Và một ứng viên chứng tỏ không có khả năng sống chung là cần được coi như là một dấu hiệu không có ơn gọi tù trì.

Cộng đoàn là môi trường bình thường và quý báu cho người tu sĩ sống cuộc đời tận hiến của mình. Một cộng đoàn hiệp nhất trong tinh huynh đệ tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển đời thánh hiến, đồng thời bảo đảm cho việc huấn luyện của các thành viên. Ngoài ra một đời sống cộng đoàn tốt đẹp đã là một lời rao giảng Tin Mừng rất hiệu lực. Nó là một dấu chỉ về Nước Trời đã đến giữa trần gian.

Cần phải loại bỏ một số ảo tưởng thường gặp như:

§  Ảo tưởng cho rằng cộng đoàn cản trở sự phát triển hoặc hoạt động cá nhân mình, và “tôi không cần tới cộng đoàn”.

§  Ảo tưởng chờ đợi cho cộng đoàn “tốt hơn” để giải quyết các khó khăn của tôi với các thành viên khác. Thực tế, một ít tu sĩ đến ở trong cộng đoàn nào cũng vẫn gặp vấn đề với cộng đoàn bởi vì khó khăn đến từ chính bản thân họ, không phải chủ yếu từ cộng đoàn.

§  Ảo tưởng là mình có thể sống cộng đoàn mà không cần tới thập giá.

III. SỐNG THIẾT THỰC TÌNH HUYNH ĐỆ

Có một bầu khí chung cần thiết cho tình huynh đệ trong cộng đoàn. Đó là những tâm tình mỗi người phải nuôi dưỡng và phát triển nơi mình. Thánh Phao-lô (Cl 3,12-14) đã nêu lên một số tâm tình như thế, và ngài nói ngay trong đoạn mở đầu rằng: đó là những tâm tình xứng hợp với những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn hiến thánh và yêu thương.

Có thể chia các tâm tình và thái độ này thành hai loại: tích cực và tiêu cực, hay đúng hơn những đức tính chủ động và những điều tạm gọi là thụ động.

1. Những điều có tính tích cực

a. Hãy có lòng cảm thương

Lòng cảm thương biết rung nhịp cùng với những yếu đuối, những đau khổ cũng như những lợi ích thiêng liêng, những nỗi vui buồn của anh em, của chị em mình.

Phải quan tâm đến kẻ khác, những gì làm nên đời sống của họ không được để ta thờ ơ song phải gây ra một âm vang trong ta. Thánh Phao-lô nói: “Nếu một chi thể đau, tất cả mọi chi thể cùng đau” (1Cr 12,26). Chúng ta phải quan tâm đến kẻ khác, cảm thông với họ khi họ được vui mừng hay khi gặp ưu phiền, khi họ thành công hay khi bị thất bại. Điều này hoàn toàn ngược lại với tích ích kỷ.

b. Lòng nhân hậu

Lòng tốt như người ta nói: kẻ này tốt bụng, kẻ kia tốt bụng hoặc khi người gọi Đức Gioan XXIII là vị Giáo Hoàng tốt bụng, nhân hậu, đầy tình người.

Lòng tốt là thiện ý thiện tâm đối với kẻ khác, là biết luôn luôn nghĩ tốt cho họ, là một ước muốn hữu hiệu tìm kiếm lợi ích và niềm vui cho họ.

Lòng nhân hậu bao hàm sự tin tưởng, tức là xác tín rằng kẻ khác cũng có hảo ý với ta và ta không bị đe dọa bởi họ cho dù họ có khuyết điểm, có sai lầm hoặc lỗi phạm đến ta.

c. Khiêm nhu

Là điều kiện của mọi tình yêu chân chính, bởi vì chính khoe khoang, sự tự ái và lòng kiêu ngạo cô lập chúng ta, đóng kín chúng ta lại và làm cho ta cứ phải “giữ miếng” (thế thủ) sợ bị xúc phạm.

Có tinh thần khiêm nhu, ta tránh được óc phê phán kẻ khác. Đó là một hình thức của óc thống trị lúc nào cũng muốn đặt mình lên trên kẻ khác, và tựu trung là giành quyền của Thiên Chúa.

d. Tính hiền hòa

Tính hiền hòa đi theo sự đơn sơ, vui vẻ, dễ dãi với kẻ khác.

2. Những điều có tính “thụ động”

Nói là “thụ động” cũng không đúng lắm, bởi vì người ta cũng phải kiên quyết lắm và tự chủ lắm mới thực hiện được. Đây vẫn là những đức tin ta thường phải “thi thố” khi gặp phải khó khăn đến từ phía kẻ khác.

a. Sự nhẫn nại

Nhẫn nại là sức dai bền trong sự chịu đựng những điều kẻ khác xúc phạm tới mình và nói chung, trước những yếu kém của họ. Có người hễ bị xúc phạm một chút bởi một lời nói đùa, một câu vô ý, một thiếu xót nhỏ nào là đỏ mặt tía tai, trương gân trương cổ hoặc sa sầm nét mặt lại hoặc bắt đầu rơi nước mắt. Đó là thiếu nhẫn nại.

Phải chống lại khuyết điểm đó, phải biết tự chủ, học cho biết lướt thắng những xúc động như thế, phải rèn luyện mình như các vận động viên để quen chịu va chạm, thậm chí những cú đấm mà không than vãn, kêu ca, không để cho đau khổ đánh bại mình. “Phải là cây cổ thụ chứ không phải là cây cỏ thẹn, hễ đụng tới là co quắp lại”.

Thái độ căn bản này tỏa ra đặc biệt cần thiết trong hai lĩnh vực.

b. Sự chịu đựng lẫn nhau

Trong cuộc sống chung bao giờ cũng có nhiều tính tình, nhiều sở thích, nhiều thị hiếu và nhiều đam mê khác nhau. Vì thế sự chịu đựng lẫn nhau là cần thiết, đầy công đức, và lắm khi còn đòi hỏi nhiều hy sinh đau khổ nữa. Người này mới nhận được những tin buồn, thì sự vui vẻ của kẻ khác dễ làm cho họ bị xúc phạm.

Người kia đang được đầy niềm phấn khởi thiêng liêng, họ sẽ coi sự dè dặt của người khác như là dấu hiệu của khô khan nguội lạnh. Chị A lúc nào cũng đòi mở quạt, mở cửa sổ, chị B thì ngược lại khi nào cũng kiếm chỗ kín gió mà ngồi…

Thánh Phao-lô khuyên bảo các tính hữu Ga-lát: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là chu toàn luật Đức Ki-tô” (Gl 6,2).

Ai cũng có gánh nặng cả, phải giúp nhau mà vác, đừng chất thêm gánh nặng cho nhau. Đừng quên rằng kẻ khác cũng phải chịu đựng ta và nhất là Chúa vẫn chịu đựng ta.

Thánh Phao-lô viết tiếp trong đoạn thư nói trên: “Ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình, mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, chứ không phải là vì so sánh với người khác. Quả thế, mỗi người phải mang gánh nặng của riêng mình” (Ga 6,3-5).

c. Tha thứ cho nhau

Là điều không tránh khỏi, là điều không thể thiếu được bởi vì làm sao tránh được những va chạm, những lỗi phạm và thiếu sót, khi người ta sống chung với nhau? Chúng ta không phải là thiên thần. Ai làm phiền lòng chúng ta, hay gây thiệt thòi cho ta đều là kẻ mắc nợ chúng ta. Song chúng ta là chủ nợ với người này mà đồng thời là con nợ với kẻ khác.

Có khi người ta mắc nợ ta về mặt này, ta mắc nợ họ về mặt khác. Thành ra chúng ta phải tha thứ cho nhau luôn mãi “bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,22). Tha thứ một cách quãng đại, một cách thật lòng như Chúa vẫn tha thứ cho ta, đừng chấp nhất, đừng nhớ dai và thù vặt.

Sau khi kể ra một số đức tính phải có trong đời sống huynh đệ như trên, Thánh Phao-lô đã kết thúc: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).

d. Tính tình gia đình

Trong nhiều đức tính cần cho đời sống huynh đệ, có lẽ nên nói riêng một chút về tinh thần gia đình. Trên đây đã nói cộng đoàn tu trì có nhiều đặc điểm gần với cộng đoàn gia đình. Vậy các thành viên trong cộng đoàn phải thật tình đón nhận nhau.

Cha Jean Vanier viết: “Chỉ khi nào chấp nhận kẻ khác, chúng ta mới có thể phá tan những “hàng rào cản” nơi chúng ta, vì chúng ta sẽ không còn nghĩ rằng mình thông minh, tốt lành, khôn ngoan… Ai cũng đều biết, chúng ta chỉ là những người cùng tập lớn lên với nhau” (Đời sống cộng đoàn, trang 61). Chấp nhận nhau không có nghĩa là nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi nơi kẻ khác. Tục ngữ ta nói rằng: “Chị ngã em nâng”. Sự sửa dạy, nhắc bảo cho nhau cũng là một bổn phận bác ái. Nhưng chấp nhận nhau là chấp nhận con người anh em, chị em, những gì cấu tạo nên bản tính sâu xa của họ, gồm có những đức tính, những tài năng và cả những giới hạn của họ.

Là người cùng một gia đình chúng ta không chọn lựa nhau, nhưng mỗi người hãy coi chị em là một ân huệ Chúa ban cho mình và mình thật lòng vui mừng vì có họ với mình. Chúng ta sẽ loại trừ mọi cái nhìn trục lợi về kẻ khác, vì trong một gia đình mọi người đều được đón nhận, dù là già yếu, bệnh tật, vô tài vô dụng xét về mặt tự nhiên.

Người có tinh thần gia đình cảm thấy mình thực sự là “người nhà” và cộng đoàn là “của mình”, cảm thấy mình trọn vẹn liên đới với chị em trong cái hay cũng như cái dở, trong sự hưng thịnh cũng như sự suy vi của cộng đoàn. Cảm thấy mình có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ cộng đoàn, đừng đem chuyện dở của cộng đoàn đi nói với người khác.

KẾT LUẬN 

Đời sống huynh đoàn là một ơn Chúa ban cho tôi. Bởi thế, ta đừng tự vạch ra một lý tưởng về tình huynh đệ, về đời sống chung theo ý kiến mình rồi đòi hỏi hoặc phê phán kẻ khác, và cuối cùng rơi vào bi quan tiêu cực. Song mỗi người phải cầu xin Chúa ban cho mình và chị em biết đón nhận, phát triển ân huệ đó.

Điều đó không loại trừ, mà còn đòi hỏi sự cố gắng kiên trì và quảng đại của mỗi người vì ơn Chúa cũng cần đến sự cộng tác con người. Về mặt này ta phải khiêm nhường và thực tế. Đời sống chung huynh đệ là hiện thực đã có, nhưng cũng vẫn còn những điều chúng ta chưa đạt tới hoàn toàn như Chúa muốn, nhưng phải xây dựng mỗi ngày. Amen.

Nguồn:  HD Đa Minh Tam Hiệp