TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


TÔI HY SINH VÌ TÔI YÊU BẠN


Biết bao câu chuyện hy sinh trong tình yêu, hôn nhân mà không được đền đáp khiến nhiều người đâm ra sợ yêu, sợ hy sinh vô ích. Một số người cho rằng tình cảm lứa đôi thời nay nên “heo-thì” (healthy) và “ba-lần” (balance) (lành mạnh và cân bằng) hơn, đôi bên cần biết sống vì bản thân và bớt hy sinh lại một chút cho đời tươi đẹp, tình cảm đỡ hao mòn. Chủ trương này được giới trẻ ủng hộ, bởi suy cho cùng yêu bản thân đâu phải là ích kỷ, biết hy sinh đúng mức cũng giảm gánh nặng cho mình và người khác.

Trong quan hệ cha mẹ - con cái, lằn ranh giữa vừa đủ và thái quá khi hy sinh thật khó lòng phân định. Hy sinh thái quá có thể dẫn đến:

-         Cha mẹ trở thành “công bộc” của con, con được chiều quá sinh hư, “bào” cha mẹ tới tận xương (thế gian thiếu gì chuyện “cha già con bạc”).

-         Cha mẹ trở thành “kẻ độc tài” kiểm soát con, con cái sẽ mất đi quyền tự do, tự quyết và phải sống theo sự áp đặt của cha mẹ.

Một người tâm tình trên mạng xã hội: “Mỗi đứa bé đều mang khao khát sống, chúng đến với kiếp người là để học hỏi, trải nghiệm và theo đuổi con đường riêng. Con trẻ không sinh ra để trả nợ hoặc trả ơn cha mẹ, chúng sinh ra vì muốn được sống trọn vẹn. Vì vậy, điều quý báu nhất cha mẹ cần trao cho chúng là tình yêu thương vô điều kiện và nền tảng giáo dục tốt. Phần còn lại phụ thuộc vào chúng”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu như vậy.

- Một cô gái nhà nghèo định đi làm công nhân sau khi tốt nghiệp phổ thông nhưng cha mẹ lại động viên, thúc ép con học đại học để có công việc tốt hơn. Vâng lời, cô chăm chỉ học hành, cố đỗ đại học, quyết tâm thành tài để đỡ đần gia đình.

Vài năm sau, áp lực học phí khiến người cha ngày càng cảm thấy nặng nề, kiệt sức. Một lần con gái về xin tiền mua sách, ông bùng nổ và tát cô, quát: “Mày làm khổ tao thế đủ chưa? Nghỉ học quách cho rồi!”.

Cô gái tổn thương sâu sắc, định bỏ học thì mẹ vội an ủi, bảo rằng cha làm lụng nhiều quá nên trầm uất thôi. Dù sau đó cha cô đã xin lỗi, tình cảm cha con vẫn không còn như xưa và cô luôn thấy có lỗi vì đã chọn đi học.

- Ở một gia đình nọ, cha mẹ không thể lo cho cả hai đứa con ăn học, người anh quyết định nhường em trai học lên cao, mình thì đi làm nuôi em, chăm sóc cha mẹ già.

Nhiều năm sau, hai anh em đều có vợ con. Người em có công việc tốt trên thành phố, hàng tháng gửi tiền báo đáp cha mẹ và anh trai, thỉnh thoảng dẫn vợ con về thăm quê. Gia đình người anh thấy em mình có nhà riêng rộng rãi, tiện nghi còn mình phải ở nhà xấu liền kéo đến ở chung. Chị dâu sai vặt em dâu như ô-sin, người em bảo vệ vợ mình thì bị người anh kể công: “Nếu hồi đó anh không bỏ học để làm lụng nuôi chú ăn học, có khi giờ còn giàu hơn chú chứ đâu nghèo khổ thế này.”

Đây chính là điều mà tiểu thuyết gia, nhà báo, nhà soạn kịch người Áo Stefan Zweig (1881 – 1942) đã nói: “Sự hy sinh chẳng còn ý nghĩa khi bạn bắt đầu cảm thấy mình đang hy sinh.”

Điều đó rất khác với chuyện một người mẹ đang nuôi cậu con trai nhỏ, không ai thân thích bên cạnh. Bỗng có ngày cậu bé ngã bệnh, người mẹ phải tạm nghỉ làm ở nhà chăm con. Vì chuyện này mà lỡ cơ hội được thăng chức.

Cậu bé khỏi bệnh, biết mẹ đã luôn phấn đấu cho chức vụ này nên áy náy lắm. Mẹ chỉ cười hiền, nhắc con nhớ lần mẹ bị sốt cao, phải nằm bẹp trên giường; cậu bé rất muốn ra ngoài chơi với bạn bè nhưng vẫn chọn quanh quẩn ở nhà chăm sóc mẹ. Lúc đó, mẹ có hỏi con có hối tiếc không, cậu lắc đầu: “Không ạ! Vì con yêu mẹ!”. Giờ đây, người mẹ cũng trả lời giống vậy: “Mẹ yêu con nên không hối hận vì lỡ cơ hội thăng chức.”

Đức hy sinh luôn là một đức tính cao thượng. Hy sinh vì tình yêu, vì gia đình, con cái hoặc Tổ quốc đều là những sự hy sinh đẹp đẽ. Bởi những người hy sinh đều tự nguyện, chẳng chút hối hận và mong cầu báo đáp. Họ hy sinh vì yêu thương ai đó, yêu gia đình, yêu đất nước, yêu lý tưởng mình theo đuổi.

Một khi thấy thiệt thòi, bất mãn vì phải hy sinh mà chẳng nhận lại kết quả như ý, đó là lúc cần suy ngẫm lại vấn đề. Vì đức hy sinh không phải “tôi đã làm rất nhiều cho bạn, hãy đền đáp xứng đáng”, hay “tôi hy sinh vì xã hội và người khác kỳ vọng tôi làm thế”. Ý nghĩa đích thực của sự hy sinh là: “Tôi muốn làm thế vì tôi yêu bạn”.

Bs Nguyễn Lan Hải

Bài đăng trên báo Công giáo và Dân tộc.

***



Hình minh họa: Tranh của tác giả Kevin Carden (Nguồn: deviantart)