TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHƯƠNG III PHẦN 1: NĂM 1849 - CUỘC HÀNH TRÌNH BẮT ĐẦU

    Cuối cùng Euphrasie nhận thấy mình đã bắt đầu đời sống thật. Cô lao mình vào đời sống ở tập viện với hết cả lòng trí, cô nhận thấy nơi Mẹ St John, một giáo tập và một người bạn thật sự.

    Euphrasie cũng được sự giúp đỡ của cha xứ, cha Phipin, một trong những nhà truyền giáo của dòng mới Ngôi Lời, ngài là vị linh hướng của các nữ tu và thường dạy thần học cho cộng đoàn.

    Euphrasie uống từng lời hướng dẫn về đời sống tu trì, và cô cầu nguyện cách tha thiết, toàn tâm trong việc tìm phương thế để thuộc về một mình Chúa và sống trọn đời cho Người. Cô là một tập sinh rất tốt, có lẽ là tốt nhất trong các tập sinh, thỉnh thoảng, các tập sinh khác nghĩ như vậy, nhưng lòng tốt của cô không tách biệt cô ra khỏi họ. Tính hài hước của cô vẫn còn và các tập sinh thích bầu bạn với cô. Vào những giờ giải trí các trò đùa tinh nghịch của cô tập sinh nhỏ bé, dí dỏm có đôi mắt lung linh là trung tâm của nhiều tiếng cười.

    Một ngày kia, Mẹ St John giật mình khi thấy các tập sinh từ vườn cây ăn trái trở về, cười nghặt nghẽo, họ mang một chiếc giỏ lớn trên vai, trong giỏ là cô tập sinh nhỏ bé ngồi khoanh tay cách nghiêm túc.

    “Chặc-chặc-chặc, cẩn thận, các Srs ơi!” mẹ căn dặn, nhưng mẹ cũng không nhịn được cười.

    Dù vậy, đôi khi những trò đùa chưa chấm dứt thì có tiếng chuông báo giờ thinh lặng. Thường Euphrasie là người ý thức trước và ra hiệu cho các tập sinh khác.

    “Các chị ơi, hãy nhớ đến sự hiện diện thánh thiêng của Chúa,” cô nói nhỏ nhẹ. Họ không cảm thấy khó chịu về điều ấy, thậm chí những lời trách mắng của cô cũng tử tế, và không có sự lên mặt hay làm ra vẻ ta đây trong khi cô thi hành trách nhiệm. Cô cũng là người bạn tốt khi cùng làm việc, cô thường nhận làm những việc khó, luôn thích học điều mới và sẵng sàng chỉ người khác những gì cô biết.

    Euphrasie sớm được trao trách nhiệm ở nhà giặt, nhưng công việc ở đây khó hơn nhiều so với công việc cô đã từng làm trước đây. Trang bị ở nhà giặt của các Srs nghèo nàn, phải lấy nước từ máng xối lớn bằng đá ngoài trời, máng này hứng một dòng nước nhỏ chảy xuống từ sườn đồi. Vào mùa đông, nước đá này cùng với gió buốt từ các dãy núi làm cho các ngón tay của cô tê cóng và nứt nẻ. Phòng giặt có gió lùa và máy sưởi thì kém, chân tay cô sưng, ngứa và có cước. Cứ mỗi buổi sáng và chiều tối, các Srs trẻ giúp cô xoa thuốc mỡ ở những chỗ đau, nhưng nó chỉ đỡ được phần nào, cho tới khi khí hậu ấm dần lên vào mùa xuân.

    Khi mùa hè đến, thung lũng Cuves trở nên xanh tươi dưới ánh nắng mặt trời. Khu vườn của các Srs đầy hoa, rau và trái cây non, đó chính là kết quả của nhiều giờ làm việc cực nhọc.

    Tuy cuộc sống khó khăn nhưng chỉ có vài người rời tập viện. Thậm chí, những chuẩn sinh trẻ nhất tự xem mình là những nhà truyền giáo đang trong thời kỳ huấn luyện. Trong tập viện, vinh dự của các tập sinh là đếm từng thử thách, vì đó là một bước gần hơn đến mục tiêu cuối cùng của họ.

    Một ngày kia Mẹ Marie-Barbe gọi các chuẩn sinh đến báo tin vui là ngày mặc áo dòng của họ đã được định rồi, đó là ngày 6 tháng 8. Vui mừng, các cô gái lao vào việc chuẩn bị thiêng liêng. Hầu hết các chuẩn sinh còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm để nhận thấy là suốt mùa đông qua Mẹ Marie-Barbe trở nên rất yếu và nhợt nhạt. Giờ đây, thêm việc may áo dòng mới, các chuẩn sinh quá bận rộn và vui mừng đến nỗi không nhận thấy sức khỏe của Mẹ sa sút dần hằng tuần. Họ không để ý thấy Mẹ thường hay bỏ dỡ những giờ chung để cố giấu những cơn đau, sự yếu ớt cũng như những cơn ho thắt ruột tăng dần mỗi ngày. Những thành viên trẻ của cộng đoàn không chút nghi ngờ về tai họa sớm ập xuống trên họ. Vẫn còn lâu mới đến ngày mặc áo, vị lãnh đạo đáng yêu của họ qua đời. Ngày 12 tháng 6, Cha Philpin và các Srs đặt Mẹ ở nhà nguyện cũ; Mẹ chỉ vừa tròn 28 tuổi.

    Các Srs và Cha Chantome, Đấng sáng lập, đồng ý đặt Mẹ St John, vị giáo tập, lúc này, là người có đủ tư cách nhất phục vụ cộng đoàn trong vai trò lãnh đạo.

    Mẹ cố gắng khích lệ các tập sinh.

    “Đến đây nào các Srs, chúng ta phải sẵn sàng,” mẹ nói. “Việc mặc áo phải được tiến hành như kế hoạch. Mẹ Marie-Barbe yêu quý cũng mong muốn như vậy. Mẹ đã đi nhận phần thưởng của mình rồi. Việc của Chúa trên trần gian phải được tiếp tục.”

    Ngày 6 tháng 8 là một ngày vui của Euphrasie và các bạn cùng nhóm, dù nỗi đau buồn vừa mới xảy ra. Mọi người đều nhận tên dòng mới như là một dấu chỉ của một đời sống mới đang bắt đầu. Euphrasie trở thành Sr Marie - Marie Thánh Tâm Chúa Giêsu.

    “Một tập sinh rất tốt,” Mẹ St John nghĩ về Euphrasie. “Có lẽ là quá tốt, có một chút nóng vội ngay trong sự tốt lành của Sr ấy. Tự bản chất, Sr ấy là một người thành công, giờ đây Sr muốn phục vụ Chúa ngay và cách hoàn hảo; Sr cầu xin ơn Chúa nhưng không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, và đời sống thiêng liêng không phải như vậy; cần có đủ thời gian cho sự tăng trưởng.”

    Euphrasie sốt sắng trong việc cầu nguyện, Sr chán ghét những nhược điểm của mình: sự thiếu quảng đại và lòng biết ơn đối với Chúa, không trân trọng đủ những ân huệ Chúa ban, và sự khô khan trong việc thờ phượng.

    Mẹ St John cười gượng gạo; trấn an và bình tĩnh, và Mẹ biết ơn Cha Philpin đã hướng dẫn các tập sinh.

    “Ngài là một con người có lương tri và có niềm tin sâu sắc,” mẹ nghĩ. “Chúng ta không muốn sự kiệt sức thiêng liêng, và chúng ta không muốn việc tự xem xét nội tâm quá tỉ mỉ hoặc sự hưng cảm, hoặc nghĩ rằng mình đạo đức hơn người khác, một sự tự mãn thiêng liêng.”

    Mẹ tiếp tục theo dõi và hướng dẫn cách âm thầm, và Euphrasie xem mẹ như là một trong những người bạn và người thầy tốt nhất.

    Trong khi cộng đoàn vẫn còn chấn động vì sự ra đi của Mẹ Marie-Barbe thì một tai họa khác lại ập xuống. Vị Sáng Lập Dòng, Cha Chantome, tuyên bố nghỉ hưu vì những lý do cá nhân. Vị linh mục quản xứ, Cha Phipin, một người vừa hội đủ những điều kiện trong hội dòng non trẻ này, lãnh trách nhiệm hoàn toàn về việc lãnh đạo cả hai hội dòng, một cho các linh mục và một cho các nữ tu.

    Năng lực lãnh đạo của Mẹ St John giờ đây bị thử thách đến cùng.

    Năm 1848 là thời điểm biến động chính trị của nước Pháp, nhưng tại vùng quê Cuves yên bình, các chị em không thấy có dấu hiệu nào của sự hỗn loạn và bất an đang xâu xé những thành phố lớn ở miền Bắc. Theo lời kêu gọi của Đức Giám mục, họ thường cầu nguyện cho “nước Pháp tội nghiệp của chúng ta” nhưng những điều bất ổn ấy dường như ở rất xa.

    Những vùng yên tĩnh như Cuves giờ đây bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Với sự rối loạn lan tràn, nước Pháp dường như đang trên bờ của một cuộc nổi dậy đẫm máu và người dân vô cùng sợ hãi. Khắp nơi, người ta thiếu tiền hay tích trữ tiền, phòng khi cấp bách trong tương lai. Vào thời buổi có vẻ nguy hiểm này, phụ huynh quyết định cho con họ ở nhà, thậm chí phải cho chúng nghỉ học. Khoảng cuối năm 1849, trường nội trú ở Cuves gần như không còn học sinh, và thu nhập của các Srs giảm sút trầm trọng.

    Khắp nước, chính quyền chủ nghĩa xã hội mới bắt đầu tịch thu tài sản của Giáo hội. Các chị em tại Cuves được thoát nạn vào phút cuối – họ được phép ở lại tu viện với một điều kiện là phải dạy trẻ em trong làng miễn phí. Giờ đây họ không còn nguồn thu nhập nào cả.

    Vài tuần trôi qua, cộng đoàn bắt đầu lâm cảnh nợ nần. Mọi sự trở nên kinh khủng và dường như không có tia hy vọng của sự đổi thay. Cha Philpin và Mẹ St John bàn thảo với nhau lâu giờ.

    “Mẹ à, chúng ta không thể chần chừ được nữa,” Cha Philpin thuyết phục. “Không còn cách nào khác, chúng ta phải đưa một số chị em đến các cứ điểm hải ngoại mà chúng ta đã gầy dựng.”

    “Nhưng bằng cách nào, thưa Cha? Chúng ta không còn tiền, không còn mối liên lạc nào…”

    “Cha có mấy người bạn” ngài đáp lại, “Cha sẽ viết thư cho họ ngay. Chúa sẽ ở với chúng ta, Người sẽ gửi đến điều chúng ta cần.”

    Ngài lập tức viết thư cho một vài giám mục quen biết, với hy vọng sẽ được trợ giúp về tài chánh, quan trọng hơn nữa, ngài muốn có liên lạc với những vùng truyền giáo xa đang muốn có thêm các tông đồ.

    Cha đã không lường trước được những trở ngại. Hệ thống bưu chính và việc vận chuyển vô cùng thiếu tổ chức đến nỗi thư từ không đến nơi hoặc là đến rất trễ; những người mà Cha trông chờ đã chuyển chổ ở, hay là không tìm thấy, hoặc cũng đang ở trong tình trạng khó khăn như chính ngài vậy. Rồi chính Cha ra đi, nhưng đến đâu cũng chỉ có sự thất vọng, và sau nhiều tuần trở lại, không có được một sự sắp xếp hữu ích nào cho tương lai của cộng đoàn.

(Xin xem bài đăng tiếp theo CHƯƠNG III-PHẦN 2: Năm 1850-1851)

 

                                            

Biên soạn bản tiếng Anh: Sr. Mary Philippa Reed - RNDM

Dịch thuật: Sr. Agata Nguyễn Thị Phượng Linh - RNDM