TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


CHƯƠNG II - PHẦN 1: NĂM 1842

CUỘC ĐỜI MẸ SÁNG LẬP DÒNG ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO


 Không Còn Là Đứa Trẻ Nữa

Năm lên mười ba, bố Mẹ Euphrasie quyết định cho cô thôi học, và đó là một quyết định rất khó khăn đối với họ. Họ đã tạo điều kiện cho cô ăn học nhiều hơn so với phần lớn các trẻ nữ xuất thân từ tầng lớp lao động. Nhưng vì biết Euphrasie rất hiếu học, bố mẹ cô không nỡ nói với cô điều ấy.

Cuối cùng, vào một đêm, Louise ép mình báo tin ấy cho Euphrasie.

“Đã đến lúc con phải học một nghề để có thu nhập ổn định bảo đảm cho cuộc sống của con sau này” Louise nói, và Euphrasie phải ưng thuận. Cô là một thiếu nữ tinh ý và thực tế, cô giống mẹ mình ở nhiều điểm; cô hiểu rõ bố mẹ phải chi phí nhiều cho cô được đến trường và đã đến lúc những đứa em của cô cần được đi học.

“Bố mẹ nghe nói là ở xưởng làm việc của bà Mlle Roget còn một chỗ trống và đã hỏi cho con” Adele nói. “Bà Mlle Roget là một thợ giặt tuyệt vời và đào tạo các thiếu nữ rất tốt. Được học nghề với bà ấy, con sẽ có cơ hội trở thành thợ giặt bậc nhất đấy”.

Euphrasie gật đầu. Adele tiếp tục nói và cảm thấy nhẹ  nhõm khi không thấy nước mắt, sự phản kháng hoặc tranh cãi từ phía Euphrasie:

“Bà ấy cũng là một phụ nữ tốt. Tuy có vẻ nghiêm khắc nhưng mẹ biết là bà ấy có lòng tốt và không bao giờ đối xử tàn bạo hay keo kiệt với những người học việc, điều đó tốt hơn nhiều so với những người chủ trong thời buổi khó khăn này con ạ”.

Euphrasie im lặng trước quyết định của bố mẹ, nhưng cô có vẻ vui. Lúc này cảm xúc của cô lẫn lộn; thôi học và bắt đầu công việc của một người lớn, điều ấy làm cô hơi hoảng sợ, nhưng đó lại là một mạo hiểm lớn.

Sáng thứ hai tới, Euphrasie dậy sớm. Cô mặc vội chiếc áo choàng và búi tóc theo kiểu người lớn một cách chậm rãi và cẩn thận. Lần này, không phải là trò chơi của một thiếu nữ ở trường nữa, cô đến trình diện với mẹ.

“Rất đẹp và gọn gàng,” bà Edele nói trong khi xoay cô con gái một vòng. “Còn bữa trưa của con? Và chiếc tạp dề mới nữa?”

Euphrasie vỗ nhẹ vào cái giỏ nhỏ của mình.

“Con xong rồi Mẹ ” Euphrasie nói và vội vã hôn chào những người thân tại bàn ăn sáng.

“Sao con ăn sáng ít vậy,” bà Adele phàn nàn, nhưng Euphrasie không nghe thấy. Đã đến lúc rồi, và cô không thể chờ lâu hơn nữa để bắt đầu làm việc.

Với khuôn mặt nhăn nheo và nghiêm khắc, bà Mlle Roget xem xét cô cách nhanh chóng.

“Cô vẫn còn nhỏ quá,” bà nói, “nhưng nếu cô có chút gì đó giống mẹ cô... thì, hãy nhớ, không được nói chuyện trong nhà giặt trong giờ làm việc. Công việc này cần những ngón tay nhanh nhẹn, tập trung và biết phân định tốt”.

Bà để Euphrasie lại ở bồn giặt, dưới sự hướng dẫn của một người học việc lớn tuổi. Cả ngày đầu tiên ấy Euphrasie giặt, vắt, giặt, vắt. Tối hôm ấy khi trở về nhà dùng bữa, hai cánh tay và chân cô mỏi nhừ như thể muốn rớt ra được.

“Kể cho mọi người nghe đi, kể đi, công việc như thế nào?” cả nhà ầm ỉ.

“Không có gì khác mấy so với ở trường,” Euphrasie đáp lại, và cô kể cho cả nhà nghe về những luật lệ nghiêm khắc của bà Mlle Roget, về những điều cô thấy, nghe và làm trong ngày hôm ấy.

Dưới sự hướng dẫn của mẹ, Euphrasie đã là một người nội trợ giỏi, nhưng sự nghiêm khắc trong phương pháp huấn luyện của bà Mlle Roget vượt xa điều cô có thể hình dung. Mỗi ngày các thiếu nữ giặt và ủi những tấm vải lanh mịn màng, những tấm đăng ten thêu tỉ mỉ thời trang của những người khá giả, và Euphrasie phải đảm nhận việc giặt, ủi những loại vải quý, mỏng manh mà cô chưa từng thấy trước đây.

Những cô gái học nghề với bà Mlle Roget phải thông thạo một số kỹ thuật và nguyên tắc: hồ ướt, hồ khô, hồ thô nguội, hồ nóng cứng, nhuộm và chà xát,  hồ một lớp, hai lớp và ba lớp---họ cũng phải rành về chất liệu vải và những mặc hàng, sao cho mỗi tiến trình được áp dụng cách thích hợp với từng loại chất liệu khác nhau. Rồi đến sự tinh tế của việc là, ủi, gấp, tạo nếp, căng (nong), xếp nếp... Bà Mlle Roget nghĩ về công việc của mình và dạy nó như là một môn nghệ thuật đầy vẻ đẹp và sự chính xác, đòi hỏi sự tận tụy tuyệt đối.

Đó cũng là một công việc mệt nhọc, nóng nực và nhớp nháp. Các cô gái phải đứng hàng giờ liền. Họ phải cho than vào bếp lò để làm nóng bàn ủi, những cái kẹp, than và nước sôi. Sức nóng trong phòng mang lại sự ấm áp dễ chịu vào mùa đông; nhưng những ngày hè không khí rất ngột ngạt, lại không thể mở các cửa, vì gió sẽ làm nguội bàn ủi không đồng đều.

Mỗi bàn ủi phải được dùng một cách nhanh chóng và chính xác ở một nhiệt độ thích hợp, rồi trả lại bếp lò hoặc cho thêm than ngay khi nó cần làm nóng lại. Các cô gái phải học cách thử nhiệt độ bàn ủi bằng cách “phun nước bọt”, gõ nhẹ đầu ngón tay ướt vào đế nóng và lắng nghe âm thanh khác biệt của mỗi tiếng xì. Có cách đúng và sai để đánh bóng đế đen của bàn ủi, đẩy bàn ủi trên vải, làm khô hay không làm khô bề mặt vải. Tất cả những kỹ năng này chỉ học bằng kinh nghiệm. Mặc dù rất cẩn thận, có những lúc thảm họa vẫn xảy ra, khi mà bàn ủi dính vào lớp hồ, hay cháy xém hoặc làm ố bề mặt vải. Những lúc ấy phải đem giặt lại và làm các tiến trình lại từ đầu. Điều tệ hại nhất mà bất cứ thợ giặt nào cũng sợ, đó là thường xuyên lo sợ xảy ra những rủi ro không thể sửa chữa được, chẳng hạn, một mặc hàng giá trị bị hư, rách hay cháy xém, những lúc ấy, các thợ giặt phải dùng đồng lương quý giá của mình để đền bù.

Tuy đó là một công việc khó nhọc, nhưng khi đã trở nên tự tin, Euphrasie tìm thấy niềm vui ở nhà giặt ủi. Cô vẫn là một cô gái năng nổ và có nhiều khả năng sáng tạo. Tính nghịch ngợm cùng với khả năng hài hước của cô đã mang lại nhiều tiếng cười cho các cô gái vào những giờ nghỉ trưa. Cô có đủ thông minh để không mang lại những điều phiền hà cho các bạn cũng như không làm cho bà Mlle Roget khó chịu vì những trò đùa không đúng lúc.

Euphrasie học việc một cách nghiêm túc và sớm nhận ra là cô thích việc giặt ủi. Đôi mắt tinh tế của cô bắt đầu nhận thức được điều mà bà Mlle Roget gọi là “sự hoàn tất tốt”. Cô quan sát bà chủ và những người thợ giỏi nhất khi họ làm việc. Cô để ý cách họ làm và bắt chước những mẹo vặt của họ. Đôi khi bà Mlle Roget đứng phía sau cô, nhíu mày khi bà quan sát cách cô làm việc.

“Ừm, rất tốt, rất tốt,” một ngày nọ bà thốt lên, lấy mảnh vải từ tay Euphrasie. Euphrasie nhìn lên và mỉm cười, nhưng nét mặt nghiêm khắc của bà ấy vẫn không giãn ra tí nào.

“Đè thêm tí nữa ở mặt sai, ừ, đúng rồi. Ngày mai cô có thể làm việc ở chỗ của Marie”. Nói xong, bà Mlle Roget bỏ đi. Euphrasie chạy vội về nhà và khoe với mẹ

“Mẹ ơi, mẹ có biết điều đó có nghĩa là gì không? Cô hỏi. “Bà Mlle Roget đặt con vào vị trí của những người học việc lớn tuổi mẹ ạ”.

Adele và Louise rất tự hào về sự tiến bộ trong công việc của Euphrasie, nhưng họ vẫn hối tiếc vì phải buộc cô thôi học. Họ đem chuyện này nói với bố đỡ đầu của cô, chú Francis, và ông đã tình nguyện dạy học cho cô. Mỗi tuần ba lần vào buổi tối, ông đến giúp Euphrasie đọc và thảo luận. Ngày sống của Euphrasie trở nên bận bịu với việc làm, việc học và với các nhóm ở nhà thờ. 

Cô còn giúp mẹ nữa. Mặc dù làm việc có hiệu quả và chăm chỉ, cũng có những khi mẹ cô không được khỏe. Mẹ sinh thêm một em gái nữa, điều đó làm Euphrasie rất đỗi vui mừng. Hạnh phúc hơn khi bố mẹ đề nghị cô đỡ đầu cho em gái mình. Cũng như Euphrasie, trẻ sơ sinh được rửa tội rất sớm sau khi chào đời. Bé có tên là Eugenie, nhỏ, yếu ớt và gần như không thể thở hay bú được.

Trong vòng tám ngày, Euphrasie tất bật từ nhà đến chỗ làm và vội vã trở về, chăm sóc cho em bé và chuẩn bị bữa tối.

Adele dồn hết thời gian và sức lực của mình cho đứa trẻ; bà không thể đặt con xuống một giây nào. Đứa bé ngủ cả ngày. Bà ngồi hàng giờ trên ghế kiên nhẫn dỗ dành cho nó bú một tí. Cuối cùng nỗi lo sợ của bà cũng đã đến: một đêm nọ, cô bé đã đi vào giấc ngủ ngàn thu trong vòng tay của mẹ.

Gia đình Barbier rất đau buồn. Adele không còn như trước kia nữa, ngay cả khi cuộc sống đã trở lại bình thường.

Mặc dù bận rộn, Euphrasie vẫn giữ mãi giấc mơ của mình. “Một ngày nào đó”, cô nghĩ, “một ngày nào đó tôi sẽ là một nhà truyền giáo”, một cách bí mật cô nghĩ về việc tự huấn luyện chính mình cho một sứ vụ đang chờ cô ở một nơi nào đó.

“Chúa sẽ sớm gọi tôi và tôi phải sẵn sàng”, cô nói với chính mình. Một trong những việc huấn luyện của cô là tiếp tục việc học với chú Francis; thêm vào đó là chia sẻ bớt phần ăn trưa của mình. Cô nhớ lại những cản trở hồi tuổi thơ nhiều tham vọng - đời truyền giáo khó khăn và nguy hiểm nên chỉ thích hợp cho nam giới mà thôi.

“Một nhà truyền giáo phải sẵn sàng đối diện với gian khổ và hy sinh, phải có khả năng chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, đói khát và nguy hiểm, nên tôi phải tập làm những việc hy sinh dâng lên Chúa từ bây giờ,” cô nghĩ.

Mẹ cho cô hai chiếc váy mới đẹp, một chiếc bằng vải lanh thích hợp cho mùa hè và một chiếc bằng len dành cho mùa đông. Euphrasie có một sáng kiến tuyệt vời và cô không để mẹ mình biết điều đó. Cô mặc chiếc váy mát vào những ngày mùa đông và chiếc váy ấm vào những ngày nóng bức.

Thời ấy, cô thích đọc những tờ báo bán ở cửa nhà thờ có tên “Lịch Sử của việc Truyền Bá Đức Tin”, tờ báo này do nhóm hỗ trợ việc truyền giáo ở Pháp xuất bản. Nhóm khởi đầu từ một thiếu nữ trẻ có tên Pauline Jaricot của Lyon, thời Euphrasie mới sinh. Những câu chuyện về đời truyền giáo và những mạo hiểm nung nấu niềm hy vọng và ước mơ của Euphrasie. Trái tim nhạy cảm của cô nhói đau trước những đau khổ của các nhà truyền giáo và đàn chiên của họ. Hơn nữa, cô thương khóc cho những người cô hình dung họ đang gánh chịu những đau khổ, buồn phiền, tội lỗi và thất vọng mà không hề biết rằng Thiên Chúa nhân từ luôn canh giữ và trông chờ họ. Mỗi khi cầu nguyện và đau khổ vì những câu chuyện buồn, Euphrasie càng thấy không thể chờ lâu hơn nữa để cứu vớt những người con thất lạc của Chúa.

Năm lên 15, một Cha phó mới đến giáo xứ thánh Phêrô. Ngài là một vị linh mục trẻ đạo đức, say mê cổ võ cho việc cầu nguyện và việc đạo đức trong giáo xứ, ngài còn thúc giục mọi người tích cực tìm kiếm Chúa trong đời sống của họ và lắng nghe lời mời gọi của Người. Từ bài giảng đầu tiên của ngài, Euphrasie cảm nhận rằng Thiên Chúa đang nói trực tiếp với cô; cô tin chắc là Cha Lefournier được Chúa gửi đến để dẵn dắt cô đến với ơn gọi đích thực của mình. Cô vội vã trình bày với ngài về niềm tin của cô trong một thời gian dài: rằng Thiên Chúa đang gọi cô trở thành một nữ tu truyền giáo ở các vùng đất hải ngoại nghèo khổ:

“Con có thể mở trường học, cô nhi viện, Cha à…và con muốn chăm sóc những trẻ em thổ dân nghèo, và dạy chúng, để khi lớn lên chúng biết Chúa và yêu mến Người”.

Cha Lefournier sửng sốt.

“Một nữ tu?” ngài hỏi. “Một nhà truyền giáo? Có bao giờ con nghe nói về một người phụ nữ đi đến vùng dân ngoại với tư cách là một nhà truyền giáo chưa? Cha chắc là chưa bao giờ”.

Vì không muốn làm thất vọng lòng đạo đức vừa được nhen nhúm nơi tâm hồn một giáo dân còn quá trẻ, dù nó không thực tế, với giọng ôn tồn ngài tiếp tục, “Được rồi con ạ, chúng ta phải chờ xem Chúa của chúng ta mong muốn điều gì nơi con. Con phải làm theo điều Người muốn. Lúc này, con cố gắng sống gắn bó với Người hơn mỗi ngày. Con phải học để sống cho Chúa, không phải cho sự thỏa mãn của bản thân con, và đó không phải là một việc dễ làm. Cha muốn con về nhà và bắt đầu sống ba điều: Cầu nguyện, kiên nhẫn và bền chí. Vào lúc thích hợp, Chúa sẽ cho con biết điều Người muốn”.

Trở về nhà, tâm hồn Euphrasie tràn ngập lòng nhiệt thành và lòng đạo hạnh, nhưng Cha Lefournier thở dài khi cô rời khỏi nhà thờ.

À, đúng là thiếu niên!” ngài nghĩ. “Rất chân thành, hết lòng, tha thiết cải tạo thế giới, và rất phi thực tế! Ước gì có vài giáo dân lớn tuổi trong xứ có được chút nhiệt thành và đức tin của cô bé đó!”

Ngài thường hướng dẫn và động viên Euphrasie trong đời sống thiêng liêng, cho phép cô được rước lễ nhiều hơn. Chỉ sau vài tháng, hầu như ngày nào cô cũng rước lễ. Cô tham dự thánh lễ sáu giờ sáng mỗi ngày trước khi đi làm.

Cha Lefournier không hề tìm xem nếu có dòng truyền giáo nào như vậy dành cho các phụ nữ không.

 

(Xin xem bài đăng tiếp theo CHƯƠNG II- PHẦN 2: Năm 1845)

 

                                            

Tác giả bản tiếng Anh: Sr. Mary Philippa Reed - RNDM

Chuyển ngữ: Sr. Agata Nguyễn Thị Phượng Linh - RNDM