TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


Một đề nghị cho KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO NGÀY ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN


1. Ý HƯỚNG

    Khánh nhật Truyền giáo, ngày Giáo hội kêu gọi các tín hữu khắp thế giới cầu nguyện và góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Kitô. Kitô hữu đã lãnh Bí tích Rửa tội, nhất là Bí tích Thêm Sức cần ý thức bổn phận loan báo Tin Mừng, không chỉ bằng đời sống chứng tá mà còn phải đem Chúa đến cho lương dân theo hoàn cảnh cụ thể của mình.

    Ngoài việc cầu nguyện và lạc quyên cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội như trước đây, xin đề nghị thêm một hoạt động truyền giáo cụ thể, dễ thực hiện, nhờ đó mỗi tín hữu có cơ hội góp phần tích cực và trực tiếp vào việc loan báo Tin Mừng.

    Khánh nhật Truyền giáo vào Chúa Nhật III của Tháng 10, rất gần với Lễ Cầu cho các Linh hồn 02/11 hằng năm. Ngày lễ này thật ý nghĩa để người Công giáo tuyên xưng niềm tin về sự sống lại và sự sống đời sau, đồng thời cũng là dịp để tín hữu Việt Nam đặc biệt tưởng nhớ và bày tỏ lòng hiếu kính Ông Bà Tổ Tiên.

    Việc thờ kính Ông Bà Tổ tiên đã từng là một vấn nạn khá lớn, có ảnh hưởng đến việc loan báo Tin mừng tại Việt Nam và vùng Á Châu. Đến nay vẫn còn nhiều dư luận và thành kiến không tốt với người Công giáo về việc thờ kính này. Vì thế, cử hành Lễ Các Đẳng Linh hồn 02/11 cũng là cơ hội tốt để người Công giáo Việt Nam trả lời cho những thắc mắc đó.

    Trong ý hướng này, xin đề nghị một hoạt động truyền giáo cụ thể như sau :

    Dịp Khánh Nhật Truyền giáo hằng năm, các nhà thờ và các cộng đoàn nên phát động “NGÀY ĐẾN VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN”, bằng việc mỗi giáo dân tìm mời, ít là, một người lương quen biết hay lân cận, tới nhà thờ tham dự Nghi thức Thắp hương Thảo hiếu tưởng nhớ Ông Bà Tổ Tiên ngày Lễ Các Linh hồn 02/11.

Cụ thể hoạt động này gồm các bước :

 Phát động chương trình, vào đầu Tháng 10

‚ Ngày Lễ Truyền giáo : Lên đường đi mời lương dân đến tham dự

ƒ Ngày Lễ Các Đẳng 02/11 : Cùng với anh em lương dân, cử hành Nghi thức Thắp hương Thảo hiếu.


2. THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

 Phát động :

    Chuẩn bị Khánh Nhật Truyền giáo, các Cha sở cũng như Hội đồng Mục vụ sẽ lên kế hoạch một chương trình thực hành truyền giáo (thí dụ tên gọi : “LÊN ĐƯỜNG ĐẾN VỚI LƯƠNG DÂN”) – sắp xếp các khâu tổ chức – in thư mời – các hướng dẫn thực hiện… nhằm tạo điều kiện và đôn đốc tất cả giáo dân trong xứ tham gia Chương trình : Tìm đến và mời gọi anh em lương dân tới nhà thờ dịp 02/11 để cử hành Nghi thức Thắp hương Hiếu thảo hoặc Nghi thức Thắp hương Suy tôn Ông Bà Tổ Tiên (OBTT).

    Giáo xứ cần in sẵn thư mời (mẫu đính kèm), cho người phân phát thư mời tại nhà thờ cũng như ở các khu xóm đạo... Có thể treo băngrol quanh nhà thờ : “Khánh nhật Truyền giáo, ngày đến với anh em lương dân”, “Hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian”, “Chúng ta cùng đem Tin Mừng đi khắp đó đây”…

    Chúa Nhật Truyền giáo, trong thông báo - trong bài giảng - và trong nhắc nhở sau lễ, Cha sở sẽ giải thích cụ thể và phổ biến rộng rãi Chương trình này, đồng thời kêu gọi tất cả giáo dân hưởng ứng, như một thực hành truyền giáo cụ thể, sau khi đã cầu nguyện, nghe giảng dạy và đóng góp vật chất cho việc truyền giáo.

 

‚ Lên đường đi mời anh em lương dân :

    Kết thúc Thánh lễ, mỗi giáo dân sẽ nhận một hoặc nhiều Thư mời, in sẵn và được phát ở các cửa nhà thờ hoặc theo khu xóm đạo…, rồi tìm dịp đến thăm và chuyển thư mời của giáo xứ đến một hay nhiều anh em lương dân quen thuộc, như : sui gia, thân quyến, đồng nghiêp, bạn bè, người chịu ơn … hay lương dân lân cận như xóm giềng, đối tác làm ăn (theo Phương thức Một-cặp-Một : mỗi người mời một người).

    Thời gian đi đến và kêu mời anh em lương dân kéo dài khoảng 2 tuần lễ, bắt đầu từ Chúa Nhật Truyền giáo đến Lễ Các Linh hồn 02.11.

    Mỗi giáo dân cố gắng mời cho được, ít là một, anh em bên lương đến tham dự Nghi thức kính nhớ Tổ Tiên vào 02/11 sắp đến…

    Kèm theo thư, người mời có thể giải thích cho thân hữu lương dân biết trước ý nghĩa của Nghi thức Thắp hương Hiếu thảo, như : * Người Công giáo cũng thắp nhang, * cũng tỏ lòng hiếu thảo với Tiên nhân quá cố, nhất là ông bà cha mẹ, trong Thánh lễ mỗi ngày… * đặc biệt ngày 02.11, là Lễ Khai mạc Tháng Cầu cho các linh hồn.

    Có thể báo trước với bà con giáo dân và lương dân, khi đến dự lễ, mang theo di ảnh của Ông Bà, những tiên nhân quá cố đến nhà thờ. Tất cả di ảnh được đặt lên các kệ kê sẵn trên cung thánh, trang trí và chưng bông hoa thật trang trọng… để làm Nghi thức Thắp hương trước di ảnh.

ƒ Cử hành Nghi thức Thắp hương Thảo hiếu với Tiên nhân đã qua đời :

    Lễ 02.11 kéo dài và thể hiện tinh thần của Khánh Nhật Truyền Giáo. Nên Cha sở và giáo xứ cần tổ chức trọng thể, không chỉ là ngày Cầu cho Các Linh hồn, nhất là Tiên nhân của mình và của khách lương dân ; mà đó còn là ngày hội ngộ truyền giáo, qua việc đón tiếp anh chị em lương dân được mời đến nhà thờ để biểu tỏ chung tâm tình thảo hiếu.

Xin đề nghị các bước thực hiện sau :

§ Đón tiếp khách mời :

- Đến ngày Lễ 02/11, giáo xứ cần có một băngrol lớn, ngay trước nhà thờ, nói lên ý nghĩa‎ của ngày Lễ và Tháng các Linh hồn. Ví dụ : “THÁNG 11, THÁNG CẦU NGUYỆN CHO ÔNG BÀ TỔ TIÊN ĐÃ QUA ĐỜI”.

- Bàn tiếp tân tại cổng nhà thờ với Ban Lễ Tân của giáo xứ chào đón đặc biệt người mời và khách lương dân, có thể gắn bông hoa hay phù hiệu… Cá nhân đã mời khách nên đi cùng hoặc có mặt sớm tại cổng nhà thờ trước giờ lễ, để đón tiếp các thân hữu lương dân mình đã mời. Tránh để họ lúng túng vì không gặp được người quen.

- Gặp nhau sớm, người mời có thể đưa các thân hữu lương dân đi tham quan khung cảnh nhà thờ, giới thiệu các cơ sở cùng với những sinh hoạt của giáo xứ… Làm thế nào để tạo cho anh em bên lương một cảm nghĩ thân ái, vui vẻ, được trân trọng khi đến nhà thờ, đồng thời cũng giúp họ biết một số cơ sở và sinh hoạt của giáo xứ.

- Đến giờ lễ, vào nhà thờ, khách cần được mời vào chỗ dành riêng, tốt nhất là ngồi bên cạnh người giáo dân đã mời, để họ yên tâm và được giải đáp thắc mắc khi cần.

- Đầu lễ, Cha chủ tế sẽ đại diện cộng đoàn giáo xứ long trọng chào mừng và cám ơn quí‎ khách lương dân đáp lời mời của giáo xứ, nói ý nghĩa Lễ và Tháng Cầu cho Các Linh hồn, mời gọi mọi nguời tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Tiên nhân và nhất là cử hành nghi thức Thắp hương Hiếu thảo trước di ảnh, cùng nhau bày tỏ lòng hiếu thảo & biết ơn của con cháu, dù lương hay giáo.

 

 

§ (Gợi ý) Nghi thức Thắp hương :

- Có thể cử hành ngay lúc Nhập lễ, hoặc sau Phúc Âm, hoặc trước Kết lễ.

- Lập một bàn có đặt bài vị tưởng nhớ Tổ Tiên, hoa đèn và lư hương cắm nhang, chuẩn bị chỗ đặt nhiều di ảnh do bà con lương-giáo mang tới.

- Bắt đầu bằng bài hát “Uống nước nhớ nguồn” hoặc một bài thánh ca.

- Người hướng dẫn xướng vài ý : Œ Tạ ơn Tiên nhân vì công ơn sinh thành ;  Tạ lỗi với Tiên nhân vì những thiếu sót bổn phận phụng dưỡng, bất hiếu, làm ô danh gia tộc…; Ž Khấn nguyện tiên nhân phù hộ con cháu được ấm no, thành đạt, sống đức hạnh, đoàn kết…

- Sau mỗi ý chỉ, có thể đánh trống chiêng… Linh mục chủ tế và các đại diện niệm nhang trước bàn thờ Tiên nhân hoặc trước di ảnh.... Hát một bài hay một điệp khúc “Cầu cho Cha Mẹ”.

- Kết thúc bằng một lời nguyện và một bài hát thánh ca, trong khi chủ tế, rồi đến từng người (hoặc các đại diện) tiến lên cắm nhang, tiến hoa quả…

§ Thánh lễ :

- Chỗ ngồi : dành chỗ riêng danh dự cho khách, hoặc bên cạnh người mời : một giáo dân cạnh một lương dân (phương thức một-cặp-một)

- Rước nhập lễ : Có thể mỗi người cầm nhang, cầm di ảnh Tiên nhân… tiến lên cung thánh, cúi chào bàn thờ, rồi tiến đến trước kệ đặt di ảnh Tiên nhân, rồi về chỗ ; Cha chủ tế niệm nhang trước bàn thờ chính và trước bàn thờ Tổ tiên...

- Bài đọc : Bài Sách Thánh I theo phụng vụ ngày 02.11, có thể thêm Bài II về lòng hiếu thảo với cha mẹ (Lễ Thánh Gia Thất), hoặc về công ơn tiền nhân (Lễ Thánh Gioakim & Anna 26.7)…

- Bài giảng : ngoài nội dung vắn tắt giới thiệu Nghi thức “Thắp hương Hiếu thảo”, cần trình bày nét độc đáo của đạo Công giáo : Chúa Giêsu, Đấng đầu tiên trong nhân loại đã chết và đã sống lại, Ngài ban sự sống lại cho những ai tin vào Ngài… Bài giảng dành riêng cho anh em lương dân và phải thật ngắn để dễ nhớ những điều chính yếu.

- Nghi thức Thắp hương Thảo hiếu (bên trên)

- Lời cám ơn trước kết lễ : Đây dịp rất tốt để Cha sở và giáo xứ để lại dấu ấn thiện cảm nơi khách lương dân qua lời : Œ Cám ơn anh chị đến thăm nhà thờ, chia sẻ tâm tình thảo hiếu, chung lời cầu nguyện cho Ông Bà Tổ Tiên. –  Mời tới nhà thờ dịp Noel & dịp Tết sắp tới… – Ž Kêu gọi chung tay làm việc thiện, cụ thể là nhận những thùng mì và những k‎í gạo của giáo xứ, do bà con giáo dân mang đến, về chia sẻ lại cho hàng xóm túng thiếu. –  sau cùng, mời nán lại ngay sau lễ họp mặt liên hoan nhẹ như “ăn đám giỗ Tiên nhân”. 

§ Họp mặt lương giáo :

- Sau Thánh lễ, giáo xứ có thể dọn sẵn một bữa liên hoan nhẹ để tạo thêm tình thân giữa anh em lương-giáo : bánh nước, chè cháo, hoặc hội chợ ẩm thực... Mời anh chị em lương dân và (tất cả bà con hoặc) những ai mời-dẫn được khách tham dự.

- Để dễ gợi chuyện và trao đổi (hỏi xem cảm nghĩ thế nào khi dự lễ, về Nghi thức Thắp hương, góp ‎y gì…), có thể ngồi xen kẽ một-giáo cặp một-lương.

- Có thể tổ chức thêm vài mục văn nghệ vắn gọn, để thêm bầu khí vui tươi, theo chủ đề : thảo hiếu – nhắc nhớ công ơn tiền nhân - nối kết tình thân ái lương giáo.

- Đây cũng là cơ hội tốt để giáo xứ giới thiệu các hoạt động bác ái : gạo cho người nghèo, quỹ trợ giúp người khuyết tật, tủ thuốc từ thiện, dự án nhà tiền chế cho hộ nghèo, hòm từ thiện và gạo giúp các đám tang gặp khó khăn, học bổng cho thiếu nhi nghèo, bữa ăn sáng cho người bán vé số, hội chợ trang phục… Cụ thể, nhờ ngay mỗi khách mời mang về 5kg gạo hoặc một thùng mì, giáo xứ chuẩn bị sẵn, chuyển trao cho người nghèo khổ chung quanh.

- Kết thúc, có thể chuẩn bị thêm một quà tặng cho riêng các khách tham dự (Lịch Truyền giáo, đồ lưu niệm…). Cha sở và giáo xứ tiễn chân khách ra tận cổng, với lời hẹn gặp lại trong Đêm Noel 24/12 (Xem Đề nghị một Chương trình Canh thức Noel cho lương dân).

3. KẾT LUẬN

    Hằng năm hai ngày Khánh Nhật Truyền giáo và Lễ Các Đẳng 02.11 gần liền nhau. Nên đây là dịp thuận lợi : Œ để người Công giáo giới thiệu cách thể hiện đạo hiếu,  để giáo dân thực hành truyền giáo, Ž để giáo xứ mở rộng giao lưu với lương dân chung quanh  để giới thiệu và kêu gọi chung tay các hoạt động bác ái của nhà thờ nữa.

    Riêng việc thực hành truyền giáo này :

- Giúp giáo dân đi vào việc loan báo Tin mừng anh em lương dân cách thực tế, cụ thể, ai cũng làm được ; học biết cách làm quen, thăm viếng, mời gọi đến nhà thờ, chia sẻ niềm tin và phụng tự....

- Tạo điều kiện để lương dân thấy được những nét đẹp của đạo Công giáo (thờ kính Ông Bà, sinh hoạt của nhà thờ, hoạt động bác ái, làm quen với linh mục, thêm cởi mở và tình thân với giáo dân…)

- Làm cho Khánh Nhật Truyền giáo hằng năm thêm ý nghĩa, thực sự thành ngày “Ra đi loan báo Tin mừng”, thực sự đến với anh em lương dân, không chỉ cầu nguyện, đóng góp tiền của thôi.

    Mời được một lương dân đến nhà thờ, tạo được tình thân với anh em tôn giáo bạn, giới thiệu đôi nét về giáo xứ… là một thành quả truyền giáo. Các cha sở và giáo xứ cần quan tâm hướng dẫn và tạo điều kiện, để giáo dân có dịp thực hành và góp phần vào cuộc cuộc loan báo Tin Mừng “trong tầm tay”.

    Ước chi việc thực hành này, không chỉ áp dụng trong phạm vi một vài xứ đạo, hoặc chỉ thực hiện một lần “cho biết”, mà còn được tổ chức “đồng loạt” trong một hay nhiều giáo phận, năm này qua năm khác, dần dần sẽ thành một sinh hoạt truyền giáo “thông lệ” đầy ấn tượng của Giáo hội Việt Nam vào mỗi Khánh Nhật Truyền Giáo.

Lm. GB. Trương Thành Công

<congcantho@gmail.com>