TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


NHỚ BÁC TÁM - TIẾN SĨ CHĂN DÊ VÀ NGƯỜI MÔN ĐỆ

Bác Tám là tên gọi thân thương mà anh em Giê-su hữu tại Việt Nam vẫn quen dùng khi muốn nhắc đến một bậc cha anh đáng kính, cũng là một người anh em dễ mến trong Dòng: Cha Phê-rô Phạm Hữu Lai. Cha sinh ngày 06 tháng 06 năm 1937; và chắc chắn, trong cái nhìn của Chúa, đó là một ngày thật đẹp.


Xứ đạo Vĩnh Trị – nơi quê cha đất tổ của Cha Lai, thuộc Giáo hạt Nam Định, Giáo phận Hà Nội. Xứ này nằm trên địa bàn xã Yên Trị, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nơi có dòng sông Đáy chảy men theo dọc phía Tây làng. Nhờ ơn Chúa, hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất màu mỡ ấy, để rồi 50 năm sau, Vĩnh Trị trở thành một xứ toàn tòng và đóng góp cho Giáo Hội rất nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ.

 

Thiên Chúa đã khéo an bài cho chàng sinh viên triết học và văn chương, sau khi bảo vệ thành công luận văn cao học tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, nghe được lời mời gọi trở thành một tu sĩ Dòng Tên. Anh Phạm Hữu Lai vào Nhà Ứng Sinh Dòng Tên vào ngày 17 tháng 05 năm 1964; vào Nhà Tập ngày 14 tháng 09 năm 1965 tại La Baume Sainte Marie, Aix En Provence, nước Pháp. Thầy Phạm Hữu Lai khấn lần đầu trong Dòng ngày 23 tháng 11 năm 1967, tại Chantilly, Pháp.


Từ năm 1967 đến 1970, với tư cách một tu sĩ dòng Tên, thầy Lai được Thiên Chúa dẫn đi xa hơn trên con đường học vấn để phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội. Thầy học Triết trong một trường dòng Tên ở Chantilly, đồng thời học chuyên môn về Ngôn ngữ học và lấy bằng Tiến sĩ ngôn ngữ Tổng quát năm 1973 tại Đại học Sorbonne dưới sự hướng dẫn của giáo sư Martinet. Sau đó, thầy Lai tiếp tục thọ giáo chương trình Thần học tại Lyon, Pháp.

 

Sớm nghe được tiếng gọi từ Chúa và quê hương, từ 1973 đến 1980, tu sĩ-tiến sĩ Phạm Hữu Lai về nước phục vụ theo nhu cầu của Giáo Hội và Dòng. Thầy làm việc tại Trung tâm Đắc Lộ của Dòng Tên, cách riêng trong vai trò tổ chức thư viện Đắc Lộ; thầy cũng dành nhiều thời gian cho việc dạy học tại Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (1973-1975) và Đại học Văn Khoa Sài Gòn (1973-1980).

 

Thầy Lai được giới trí thức biết đến như một học giả có uy tín, một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp được đào tạo căn bản với nhiều đóng góp cho chuyên ngành ngôn ngữ học tại Việt Nam. Nhiều học giả công nhận, nói đến việc truyền bá ngữ học cơ cấu của Ferdinand de Saussure, có lẽ phải dành vị trí đặc biệt cho tiến sĩ Phạm Hữu Lai. Công trình Ferdinand de Saussure và ngữ học cơ cấu (Tủ sách Ngữ học, Sài Gòn xuất bản năm 1974) của thầy Lai là một tập bài giảng in ronéo giản dị, lưu hành nội bộ trong năm học cuối cùng của chiến tranh sau một thời gian được chính tác giả truyền đạt cho các khóa sinh viên ban Ngữ học. Nhiều khái niệm và ý niệm ngôn ngữ học được thầy Lai chuyển ngữ, giải thích hoặc đề xuất… đã đi sâu vào việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ học tại Việt Nam.

 

Sau chưa đầy 10 năm cống hiến trong lãnh vực trí thức, từ năm 1980 đến 1983, Thiên Chúa lại tiếp tục đào luyện thầy Lai ngang qua những năm tháng trong tù. Sự vắng mặt của thầy nơi giảng đường Đại Học Văn Khoa để lại nhiều tiếc nuối cho bao thế hệ học sinh, có người tâm sự: “Thầy Phạm Hữu Lai, một nhà ngôn ngữ học lỗi lạc đồng thời là một tu sĩ Dòng Tên, cũng biến mất, đến giờ tôi vẫn không biết được chuyện gì xảy ra cho thầy.”


Sau thời gian ở tù, thầy Lai được chuyển về vùng Ngũ Phúc – Biên Hòa. Tại đây, thầy sống cuộc đời âm thầm nhưng không ngơi nghỉ của một vị “tiến sĩ chăn dê”. Nhiều sách vở, giáo trình, tài liệu học thuật của thầy đã bị lấy mất, thế nên thầy không còn môi trường hay điều kiện đủ thuận lợi để nghiên cứu chuyên môn. Chính trong bối cảnh này, Thiên Chúa như đã rẽ hướng phục vụ của thầy: từ giảng dạy về ngôn ngữ loài người đến chuyên tâm đào sâu và huấn luyện về Ngôn ngữ của Chúa. Thầy đã kịp trực giác về nhu cầu học hỏi, cầu nguyện, chia sẻ và sống Lời Chúa: “Ngày nay, nếu không nhanh tay giúp cho giáo dân, thì khi kinh tế thị trường, cuộc sống đô thị ào ạt vào, lấn lướt cuộc sống, giáo dân không còn có thời gian để học Kinh Thánh và cầu nguyện nữa. Giáo dân vì không biết Kinh Thánh, không hiểu được nhiều về Thiên Chúa, nên đời sống đạo sẽ không đến nơi đến chốn. Hãy nhanh tay, nhanh chân để phục vụ Tin Mừng.” Từ đó, các khóa Tác viên Tin Mừng, các lớp đọc Kinh Thánh, các lớp Cầu nguyện dành cho tu sĩ lẫn giáo dân được mở ra, cho thấy sức ảnh hưởng và thu lượm được nhiều hoa trái. Rất nhiều sách vở, cẩm nang, thủ bản, tài liệu hướng dẫn về đời sống cầu nguyện, tĩnh tâm, tìm hiểu và chia sẻ Lời Chúa được cho ra mắt. Đáng nhớ nhất chắc phải kể đến: Phương pháp Suy Chiêm, Cầu nguyện bằng Lời Chúa, Phương pháp chia sẻ Lời Chúa 7 bước, 9 bước; Xin được làm người môn đệ đích thực; Cầu nguyện với Kinh Lạy Cha; Còn con, con bảo Thầy là ai? Tên gọi “thầy Lai” đã trở nên quen thuộc với rất nhiều thế hệ linh mục, tu sĩ, giáo dân, bà con lối xóm; quen thuộc và gắn bó đến nỗi nhiều người không rõ, không quan tâm thầy đã làm linh mục hay chưa. Dường như ai cũng có điều gì đó có thể học hỏi từ thầy.

 

Thầy Lai chịu chức Phó tế ngày 14 tháng 08 năm 1991 tại Sài Gòn. Chưa đầy một tháng sau, thầy chịu chức linh mục. Năm 1988, cha Phạm Hữu Lai làm Năm Tập Ba, sau đó khấn cuối trong Dòng Tên vào năm 1989. Năm 1992, cha Lai làm Trưởng Miền Dòng Tên Việt Nam. Tên gọi “Bác Tám” cũng phổ biến từ ấy. Từ ngày năm 2001, Bác Tám đảm nhận các chức vụ Tư vấn Miền Dòng, Trưởng ban huấn luyện của Miền Dòng, phụ tá Trưởng Miền về việc đào tạo, Tư vấn Tỉnh Dòng (năm 2007). Trong những năm từ sau 2001, Bác Tám làm trưởng Cộng đoàn Thánh Gia (Hố Nai) đến năm 2007, sau đó là trưởng Cộng đoàn Đắc Lộ (Sài Gòn) 2007 đến 2012, đồng thời tham gia dạy học triết học và ngôn ngữ học, giúp Linh Thao và đào tạo người hướng dẫn Linh Thao…

 

Ngày nghỉ hưu của Bác Tám, người đã luôn xin cho mình ơn được làm môn đệ đích thực đi theo Chúa Ki-tô vác thập giá, chắc không thể nói ra bằng con số. Bác Tám vẫn luôn miệt mài cống hiến cho cuộc đời và mỗi tâm hồn bằng trí tuệ cũng như gương sáng trong đời sống tu trì.


Ngày 11.8.2022, Bác Tám thôi không còn vướng bận thứ ngôn ngữ học ở trần gian, nhưng được Chúa mời gọi bước vào thế giới của ngôn ngữ vĩnh hằng. Xin cho Bác được chia sẻ sự sống và hạnh phúc bất diệt của Ngôi Lời.

Anh Huy, S.J

Nguồn: Dongten.net