TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


NHỮNG CUỘC CHIẾN CỦA MỘT CON NGƯỜI YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH


Chân dung của Cha Giuseppe Ambrosoli, một vị thừa sai bác sĩ.


Tháng Giêng năm 1986, những chiến sĩ đấu tranh cho tự do của Museveni, sau năm năm chiến tranh du kích, đã chiếm được Kampala, thủ đô của Uganda, đặt dấu chấm hết cho một trong những chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử của quốc gia này. Yoweri Museveni trở thành người đứng đầu nhà nước mới và khởi đầu thời kỳ tái thiết vật chất và đạo đức lâu dài. Nhưng các nhà lãnh đạo trước đây, thuộc bộ tộc Acholi, không chấp nhận thất bại và bắt đầu một cuộc kháng chiến vũ trang kéo dài chống lại chính phủ mới. Cuộc nổi dậy đã suy thoái thành bắt cóc trẻ em và phạm những tội ác chống nhân loại.


Kalongo, một khu định cư lớn dưới chân một ngọn đồi đá trong vùng hoang mạc Acholi, nổi tiếng với bệnh viện của mình, do Cha Giuseppe Ambrosoli, một tu sĩ dòng Thừa sai Comboni, linh mục bác sĩ, thành lập. Vào đầu năm 1987, khi biết chắc chắn bệnh viện sẽ không thể tồn tại do tình trạng bất ổn trong khu vực: quân đội Uganda đã lập tức ra lệnh bệnh viện phải sơ tán. Sau gần 32 năm hoạt động truyền giáo và phục vụ công tác y tế tại Kalongo, Cha Giuseppe phải chứng kiến bệnh viện bị đóng cửa và thành quả lao động lâu năm và tận tụy của ngài bị tiêu tan. Đó là 32 năm cống hiến trọn vẹn và tình yêu vô biên dành cho người dân châu Phi và người bệnh. Vào ngày đã hẹn, đoàn xe tải dài mang theo nhân sự và trang thiết bị của bệnh viện di chuyển vòng vèo qua những đồng bằng vùng Đông Acholi, hướng về thị trấn Lira.


Cha Giuseppe, đang bị suy thận, chấp nhận uống chén đắng này với niềm tin đặc trưng của mình. Ngài viết: “Chúng ta phải vững tin rằng tất cả điều này xảy ra vì lợi ích của chúng ta.” Điều ngài còn bận tâm là làm sao sắp xếp cho một nhóm rất đông các y tá đang học tại Trường điều dưỡng thuộc Bệnh viện Kalongo. Cuối cùng, ngài đã có thể tìm được một nơi cho họ trong bệnh viện truyền giáo Angal, kịp lúc cho họ tham dự các kỳ thi.


Như thể nhận ra giờ cuối cùng của mình đã đến, Cha Giuseppe đã viết trong nhật ký: “Nhiều người sợ hãi khi trải qua những năm tháng đó. Đối với chúng tôi đó lại là nguyên nhân của niềm vui bởi vì điều đó làm cho chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đến gần hơn nhà của Cha.”


Một thiếu niên trong Thế chiến II


Là người con thứ bảy trong một gia đình có tám người con, Giuseppe chào đời tại Ronago, Como, miền bắc Italia, vào ngày 25 tháng 7 năm 1925. Cha mẹ ngài, ông John Baptist và bà Palmira, rất quan tâm đến việc học của ngài, đã chọn cho ngài những trường học tốt nhất. Lần gặp gỡ với Cha Silvio Riva, người sáng lập hội “Tiệc Ly”, một tổ chức của những người trẻ đến với nhau để cầu nguyện, là một yếu tố quyết định trong việc chuẩn bị tương lai cho chàng thanh niên Giuseppe, người sau đó trở nên rất tích cực trong hoạt động “Công Giáo Tiến Hành”.


Tốt nghiệp trung học, ngài đăng ký vào học tại khoa y Trường đại học Milan. Khi đó Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra và Giuseppe, xuất phát từ trái tim nhân ái, tình nguyện cùng đi đến Thụy Sĩ với nhiều người Do Thái bị chế độ phát xít bách hại. Tuy nhiên, cuối cùng ngài lại phải tham gia lực lượng dân quân của Mussolini, để tránh rắc rối cho gia đình. Giuseppe đã được phái đi tuần tra khu vực miền núi của vùng Toscana. Ngài không thích đánh nhau; ngài đã để cho những chiến binh chiến đấu cho tự do bắn vào ngài, bất chấp mạng sống, mà không bao giờ bắn trả.


Cuối cùng chiến tranh kết thúc và Giuseppe rất hạnh phúc khi được trở lại trường đại học. Chẳng bao lâu ngài hoàn tất việc học, nhận được học vị tiến sĩ hạng danh dự. Trong khi ngài tiếp tục học tập y khoa, thì ngành sản xuất bánh kẹo trở nên phát đạt: một ngành trước đây chỉ là một hoạt động kinh doanh gia đình thì nay đã trở thành một ngành công nghiệp.


“Con đến để tìm kiếm Thiên Chúa”


Điều này không ảnh hưởng đến lý tưởng của Giuseppe. Nghề y đã cho ngài một cơ hội để thể hiện đầy đủ bản tính nhân ái của ngài. Nhưng ngài cũng tìm kiếm một cách dấn thân có thể thỏa mãn được nỗi khao khát sâu sắc của ngài đối với Thiên Chúa. Ngài quyết định trở thành một nhà truyền giáo và năm 1951 ngài gia nhập Dòng Thừa Sai Comboni. Ngài viết thư cho Cha Bề Trên Tổng Quyền: “Con đến để tìm kiếm Thiên Chúa”. Tìm kiếm Thiên Chúa sẽ là mối quan tâm chính của ngài trong phần còn lại của cuộc đời. Tại Gozzano, nơi đặt tập viện, Giuseppe nhận ra rằng cuộc đời của một nhà truyền giáo thật là khó khăn. Thời gian ở tập viện là thời gian trải nghiệm trước cuộc đời đó. Ngài không nhụt chí, mặc dù ngài đã viết trong nhật ký của mình: “Kẻ duy nhất không vui về việc tôi ở đây là Quỷ, vẫn thỉnh thoảng tìm cách quấy rầy tôi.”


Ngày 09 tháng 09 năm 1953, ngài tuyên khấn lần đầu, và bắt đầu học thần học. Ngài tận dụng thời gian rảnh đến các bệnh viện để học hỏi về phẫu thuật. Ngài khiến cho người khác phải chú ý vì lòng nhân ái đặc biệt của ngài đối với những bệnh nhân mà ngài ân cần chăm sóc. Ngài khấn trọn vào ngày 09 tháng 09 năm 1955, và sau đó ngài được thụ phong linh mục vào ngày 17 tháng 12 năm 1955.


Vào thời điểm đó, ở Uganda rất cần một bác sĩ cho bệnh viện mà vị giám mục sở tại, Đức ông Cesana, đang xây dựng tại Gulu. Tuy nhiên, một nhà truyền giáo nổi tiếng khác, Cha Malandra, cũng muốn mở rộng bệnh viện tại giáo điểm truyền giáo Kalongo. Cuối cùng, Cha Malandra, người được mệnh danh là “Aguata Matek” (quả bầu cứng) trong ngôn ngữ Acholi, thắng thế và có được Cha Ambrosoli cho Kalongo. Đó là khởi đầu công việc lâu dài của Cha Giuseppe ở bệnh viện Kalongo, kéo dài 32 năm và kết thúc khi ngài đau ốm nằm liệt giường tại Lira.


“Những gì Thiên Chúa muốn thì không bao giờ là quá nhiều”


Chỉ trong vài ngày bệnh tật đã giết chết ngài. Cha Giuseppe, người đã từng giúp đỡ chuyên môn cho rất nhiều người hấp hối, lại qua đời một mình mà không có bác sĩ nào trợ giúp. Các nữ tu Comboni đã chăm sóc ngài cho đến phút cuối, nhưng các bác sĩ chỉ có thể tư vấn qua vô tuyến. Các nhà truyền giáo tại Lira liên tục yêu cầu cho một máy bay trực thăng đưa ngài đến bệnh viện truyền giáo gần nhất tại Lacor, nhưng yêu cầu chỉ được đáp ứng khi mọi sự đã quá muộn. Bản thân ngài cũng không muốn được giúp đỡ một cách đặc biệt như vậy và khi nhận ra rằng thời gian của mình đã đến hồi kết thúc, ngài chỉ xin được chôn cất tại châu Phi trong trang phục châu Phi, bọc trong một tấm vải đơn giản. Chỉ có yêu cầu đầu tiên của ngài được đáp ứng. Ngài qua đời một cách an bình.


Những lời nói của ngài trên giường bệnh gây ấn tượng cho bạn bè là những lời ngài đã luôn lặp đi lặp lại trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc đời ngài: “Những gì Thiên Chúa muốn thì không bao giờ là quá nhiều”. Bây giờ khi ngài an nghỉ trong nghĩa trang Lira, thì bên trên ngôi mộ của ngài đã có những diễn biến kiến tạo hòa bình và tha thứ. Hai năm sau khi ngài chết, các tu sĩ Comboni trở lại Kalongo, mở lại bệnh viện đã được các chiến binh Acholi bảo vệ trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sự hiện diện tinh thần mạnh mẽ của Cha Giuseppe Ambrosoli bay lượn bên trên nơi này để che chở và khích lệ.


Cha Giuseppe Ambrosoli là một trong những khuôn mặt thừa sai đã để lại một dấu ấn: dấu ấn sự hiện diện của Thiên Chúa. Trong số rất nhiều nhân chứng quen biết ngài, không ai là không đề cao sự thánh thiện đích thực của ngài. Ngay cả một người đã sống gần gũi với ngài trong 23 năm liền, linh mục triều bác sĩ Don Palmiro Donini, tin tưởng chắc chắn về đặc tính anh hùng nơi một số nhân đức của Cha Giuseppe như nghèo khó, sẵn sàng, tự hiến, dũng cảm, nhân hậu, thanh khiết và vâng lời.


Bí quyết để ngài có thể thành công lớn như vậy về phương diện thiêng liêng rõ ràng nhất là nhờ ân sủng của Thiên Chúa, thứ hai là nhờ tấm lòng của mẹ ngài, một phụ nữ rất ngoan đạo, và cuối cùng là nhờ những nỗ lực không ngừng của ngài để trưởng thành trên Con đường của Đức Kitô trong cương vị là một nhà truyền giáo.

Lm. Lorenzo Carraro, MCCJ

Nguồn: Thừa Sai Comboni