TẬP SINH NĂM 1 2023

NHÓM TIÊN KHẤN 2023

Chuẩn Sinh Dòng Đức Bà Truyền Giáo 2023


HOÁN CẢI CÙNG AUGUSTINÔ

Em thân mến,

Tôi viết thư cho em để mừng em “ngày thôi nôi” được làm con Chúa. Cảm ơn em về những dòng chia sẻ tuy ngắn ngủi nhưng chất chứa tâm tình trong một năm vừa qua. Những kinh nghiệm thiêng liêng của em cho tôi những bài học quý giá về “một cuộc trở về”, “một cuộc hoán cải” đầy mầu nhiệm và sống động. Tôi chợt liên tưởng đến vị thánh Bổn mạng của em, Thánh Augustino. Là “bậc thầy” của sự hoán cải, là vị thánh Quan thầy đáng kính của em, Ngài cũng có một hành trình trở về với Thiên Chúa đầy ngoạn mục và thăng trầm. Tôi cũng muốn chia sẻ với em những ấn tượng của tôi về sự hoán cải của Ngài. Cùng đăng trình với thánh Augustinô, tôi được biết Ngài không chỉ có một, nhưng có đến ba cuộc trở về…

1.    Trở về với Thiên Chúa để nhận ra cội nguồn và chân lý đích thực

Thiên Chúa là chân lý đích thực và trường tồn. Nhưng điều đó không dễ dàng nhận ra và hiểu thấu nếu không có ơn của Chúa. Thánh Augustinô được sinh ra trong một gia đình có mẹ là một Kitô hữu thánh thiện và đức hạnh nhưng ngài lại không được thu hút bởi niềm tin vào Thiên Chúa và các thực hành trong Giáo hội.

Augustinô khát khao tìm kiếm sự thật, chân lý, và sự khôn ngoan đích thực nhưng Kinh Thánh lúc bấy giờ chưa làm Ngài thoả mãn. Ngài ước mong được tiến đến gần Đức Giêsu nhưng lại bị cuốn theo mạng lưới của bè rối Manikê với những tư tưởng đối nghịch với đức tin Công giáo. Augustinô càng ngày càng xa Chúa nhưng ngài vẫn một mực tin rằng ngài đã tìm được con đường siêu việt cho sự hoà hợp giữa lý trí, chân lý và lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô.

Thế nhưng, con đường siêu việt đó vẫn không thể xoá tan những ngờ vực trong lòng thánh nhân. Thiên Chúa vẫn kiên trì nhen lửa để dần dần ngọn lửa ấy bừng cháy và chạm đến đáy lòng của ngài. Augustinô dần được thôi thúc trở về. Với nội dung uyên thâm và tài hùng biện xuất sắc, thánh Ambrôsiô đã chinh phục Augustinô qua mỗi bài giảng. Ngài lần bước trở về với những bản văn Kinh Thánh, đặc biệt là các thư của thánh Phaolô, và tìm ra lời giải đáp cho các vấn nạn của mình.

Không phải vô tình mà ta có thể nhận biết Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa phải không em? Chính Thiên Chúa yêu thương ta và Ngài ban ơn cho ta đấy em ạ! Không có ơn của Ngài, tự sức mạnh của ta, tự trí hiểu của ta, ta không biết làm gì và không thể làm gì! Ta chỉ có được ơn đức tin khi hiệp hành cùng với Thiên Chúa, tức là hằng liên cầu nguyện với Ngài và xin Ngài ban ơn đó em. Thánh nhân đã trở về với Chúa trong sự hy sinh cầu nguyện liên lỉ của thánh Monica, thân mẫu Ngài; và chính Ngài cũng đã dành hàng giờ chỉ để khiêm tốn thân thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” (Tự thuật)

2.    Trở về với cộng đoàn để sống yêu thương, phục vụ

Sau khi Augustinô được rửa tội vào đêm canh thức Phục Sinh năm 387 tại Milan, ngài trở lại Châu Phi, thiết lập một đan viện nhỏ, cùng với các bạn hữu, dâng hiến đời mình cho việc chiêm niệm và nghiên cứu. Với ước mong sâu thẳm được sống trọn vẹn cho Chúa sau bao năm miệt mài xa cách, ngài được mời gọi hoán cải để sống chân lý và cùng với chân lý sống tình bằng hữu với Đức Kitô. Vì thế, ngài viết tu luật cho đời sống tu trì, bộ luật cổ xưa nhất và vẫn còn rất phù hợp cho đến ngày nay.

Có thể nói rằng Thánh Augustinô cũng là thánh Quan thầy của tôi đó em. Vì Mẹ Sáng Lập Dòng Đức Bà Truyền Giáo của tôi là Euphrasie Barbier đã chọn luật thánh Augustinô là kim chỉ nam cho Hội dòng. Những điều luật tuy đơn giản, hàm súc về ngôn từ nhưng chứa đựng những điều cốt lõi, sâu sắc và tràn đầy tình yêu thương, bác ái. Nó không là mảnh đất khô cằn để sống rập khuôn, cứng nhắc nhưng nó màu mỡ sự bao dung, lòng trắc ẩn để đời sống huynh đệ cộng đoàn đạt đến đức ái trọn hảo. Chính kinh nghiệm của một bậc tri thức đại tài, kinh nghiệm của một hối nhân và kinh nghiệm của một đan sĩ đã giúp Ngài có một trái tim giàu lòng thương xót như Thiên Chúa. 

Hơn thế, thánh Augustinô tiếp tục được thách đố sống với Chúa và sống cho Chúa hơn nữa qua việc phục vụ tất cả mọi người trong trách vụ linh mục rồi giám mục thành Hyppo. Thánh nhân đã hiệp hành cùng với dân Thánh của Chúa một cách nhiệt thành, quảng đại, hết mình, hết tình vì đoàn chiên của mình. Ngài luôn thao thức, tìm mọi cách thế để dẫn đưa đoàn chiên của mình có sự biến đổi thực sự từ bên trong tâm hồn; làm sao để mọi thành phần dân Chúa từ trí thức đến bình dân đều có thể hiểu Lời Chúa và giáo lý một cách ngọn nguồn. Ngài luôn nhắc nhớ mình rằng “Giảng thuyết liên tục, thảo luận không ngừng, nhắc lại thường xuyên, củng cố luôn mãi, nhằm phục vụ hết thảy mọi người - đó là trách nhiệm lớn lao, và là một gánh nặng đòi phải nỗ lực hết mình.” (Sermon 339,4)

Thánh Augustinô đã sống thật đơn sơn khiêm tốn phải không em? Với một bậc thầy lỗi lạc về tri thức như thế thì sự hạ mình của Ngài thật đáng nể biết chừng nào. Ngài nhận ra rằng Thiên Chúa, “Đấng uy lực vô biên, trí tuệ khôn lường” sẽ “chống lại kẻ kiêu căng.” Vì thế, với khao khát được đổi mới tận căn con người của mình, Ngài khiêm nhường để cho Chúa dạy dỗ và biến đổi. Ngài đã chiến đấu từ bỏ ước muốn sống đời chiêm niệm, nghiên cứu để đáp lại lời mời gọi của Chúa trong mục vụ và thuyết giảng. Ngài đã phải khiêm nhu học lại từ đầu: học cách chia sẻ những tri thức ngài có, học cách trình bày chân lý đức tin và học cách làm trổ sinh hoa trái những điều ngài kinh nghiệm. Trong sự hiệp hành, liên đới với đoàn chiên của mình, thánh nhân đã khiêm tốn khi diễn tả như sau: “Cho anh chị em, tôi là giám mục. Cùng với anh chị em, tôi là Kitô hữu.”

3.    Trở về với lòng mình mỗi ngày để hoán cải tận căn

Với sự quên mình sống cho tha nhân, thánh Augustinô đã thực sự sống với Đức Kitô và cho Đức Kitô. Vị giám mục thành Hippo đã xả thân trong Chúa, vì Chúa và vì tha nhân nên Ngài được cuốn hút vào hành trình hoán cải thứ ba trong cuộc đời. Đó chính là một cuộc hoán cải tận căn khiến thánh nhân mỗi ngày luôn khẩn cầu Thiên Chúa tha thứ. Ngài được soi sáng để nhận ra rằng hoán cải không chỉ một lần là đủ; hoán cải là một hành trình không ngừng nghỉ cho đến khi được Chúa dẫn đưa vào cuộc sống vĩnh hằng.

Trong những ngày tháng cuối của cuộc đời, Augustinô luôn ăn năn thống hối ý thức mình chỉ là một kẻ tội lỗi cần được Thiên Chúa xót thương. Ngài không ngừng tỏ lộ tâm tình của Ngài với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa là vẻ đẹp của ngàn xưa, là vẻ đẹp mỗi ngày mỗi mới. Con yêu Chúa quá muộn màng. Chúa vẫn ở trong con, đang khi con mải lo tìm Chúa bên ngoài. Chúa đã chạm đến con, và sự bình an của Chúa thiêu đốt tâm can con.” (Tự thuật) Vì thế, thánh nhân đã sống trong sự hoán cải luôn mãi để được tẩy sạch tội lỗi nhờ Đức Kitô cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. 

Em thân mến,

Một chút đăng trình với thánh Augustinô cũng giúp cho tôi chia sẻ với em một nét chấm phá đặc biệt trong cuộc đời của Ngài. Những cuộc hoán cải của Ngài với Chúa, với cộng đoàn và với chính mình đã tạo cho tôi, cho em thêm niềm tin, niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa khi ta ý thức trở về với Chúa và khao khát được Người biến đổi mỗi ngày. Thánh Augustinô nói ngài đã yêu Chúa quá muộn màng. Nhưng hoán cải thì không bao giờ là quá muộn màng, phải không em? Ước gì tôi và em luôn học hỏi gương thánh nhân, biết khiêm tốn, sống hoán cải liên lỉ mỗi ngày trong niềm vui là lòng tri ân, để luôn trở về với nguồn mạch Tình Yêu, về với Đấng là nguồn Chân, Thiện, Mỹ. Và như thánh Augustinô, chúng ta có thể hân hoan hát lên rằng:

“Đường mới, khách đường mới, hát khúc tân ca….”(Thành Đô Thiên Chúa)

 

Nt. M. Teresa Phương Dung, RNDM

Tài liệu tham khảo:

1.    Adalbert - G. Hamman, Minh Thanh Thuỷ, Lm Trần Ngọc Anh chuyển ngữ. (2017), Để Đọc Các Giáo Phụ, Tái bản lần thứ nhất, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Thành phố Hồ Chí Minh.

2.    Giáo Hoàng Benedict XVI, Đăng Trình Với Giáo Phụ. (2020), Học viện Đaminh.